“Cú đêm” thành phố”
11 giờ đêm, thành phố chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng với những cán bộ làm công tác xét nghiệm, truy vết của Hà Nội, từ khi dịch Covid-19 tràn về, họ chưa có một giấc ngủ trọn vẹn. Liên tục là những ngày làm việc triền miên, từ sáng đến đêm khuya, bất kể thời tiết nắng như đổ lửa hay giá rét căm căm. Nhiều người thân thương đặt tên họ là “thợ săn virus”, “dũng sĩ diệt virus”, nhưng xin phép gọi họ bằng cái tên bình dị “cú đêm thành phố”.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) một ngày đầu đông, trong không khí khẩn trương, ai nấy trùm kín bảo hộ, lướt qua nhau vội vã và chỉ giao tiếp qua ánh mắt. Chỉ cần có thông báo về ca bệnh, ổ dịch là họ lại vội vàng lao ra chiếc xe đã chờ sẵn.
Lúc họ tranh thủ nghỉ giao lao sau ca làm việc liên tiếp, thanh nhôm trên chiếc khẩu trang đã hằn in một vệt đỏ chạy ngang sống mũi, khóe mắt. Những bàn tay nhăn nheo, nhợt nhạt sau thời gian dài bị chiếc găng tay y tế bịt kín. Bữa cơm trưa với họ thường vào lúc 1-2 giờ chiều, có khi là 3-4 giờ và cũng chỉ để lấp đầy dạ dày và có sức làm việc.
Kể lại hành trình không ngơi nghỉ suốt hai năm kể từ khi Covid-19 tấn công thành phố vốn bình yên này, anh Đinh Nguyễn Hải Long, cán bộ Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (CDC Hà Nội) chỉ gói gọn: lên đường bất kể giờ giấc. Nửa đêm, khi nhận được thông báo có ca dương tính, mọi người lại bật dậy như lò xo, trùm đồ bảo hộ vào, đi về địa bàn lấy mẫu xét nghiệm thâu đêm. Thời điểm cho ra kết quả cũng là lúc họ thấy hồi hộp nhất, họ vui mừng khi kết quả ca bệnh nghi ngờ âm tính và buồn bã, lo lắng khi nhận kết quả dương tính.
“Nhiều lúc thời gian làm việc kéo dài vô tận, chúng tôi còn không có cả thời gian ăn, ngủ. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè, đắm mình trong bộ đồ kín bưng, mồ hôi ra mà không thể lau, chảy thành hàng vào mắt, vào miệng, cảm giác rõ ràng vị mặn chát nơi cổ họng”, anh Long nhớ lại.
Khi được hỏi về một ngày làm việc của mình, chị Trần Thanh Thủy (Trạm Y tế phường Hàng Bồ, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm) cười hiền, không ngày nào giống ngày nào, chỉ nhiệm vụ là không đổi. Khi có thông tin ca bệnh, dù đang ăn dở bữa cơm hay tranh thủ chợp mắt, chị và đồng nghiệp đều phải lập tức lên đường tới các địa điểm để thu thập thông tin những người liên quan, đưa ra các quyết định cách ly, đồng thời liên hệ lấy mẫu xét nghiệm.
Chị kể, có những ngày cao điểm, họ phải làm việc liên tục đến 2-3 giờ sáng, chập chờn chìm vào giấc ngủ khi đồng hồ đã 4 giờ sáng, để 6-7 giờ lại vội vã lên đường. Nhiều lúc đang làm thấy bụng đói cồn cào, mới biết đã quá bữa, người nọ thay phiên người kia ăn chớp nhoáng để quay lại làm việc.
Việc lấy mẫu xét nghiệm cứ liên tục, không thể đừng, có khi từ sáng sớm đến tận đêm mới về, cũng có khi từ nửa đêm đến chiều hôm sau. Khi làm hết ca, cứ có chỗ là có thể ngả lưng ngủ được, bất kể nền đá lạnh hay sàn nhà ngổn ngang. Đã có những người mệt lả, kiệt sức và ngất đi, nhưng khi tỉnh dậy, chỉ kịp uống bù oresol, uống sữa rồi lại lao vào guồng quay công việc.
Máy có thể sập nguồn, người thì không
Hiện mỗi ngày Hà Nội có trên dưới 3.000 ca mắc Covid-19, vượt xa so với con số chỉ vài đến vài chục ca trước đó. Ca bệnh lớn đồng nghĩa với áp lực công việc đè nặng lên đôi vai những cán bộ truy vết, xét nghiệm tại cơ sở.
Bác sĩ Hà Tấn Dũng, Đội trưởng Đội Phản ứng nhanh số 3, CDC Hà Nội cho hay, trung bình mỗi ngày, các đội phản ứng nhanh của CDC Hà Nội phải lấy hàng ngàn mẫu bệnh phẩm. Theo tính toán, mất khoảng 3-5 phút để kỹ thuật viên lấy được một mẫu hoàn chỉnh, chưa tính thời gian di chuyển, chuẩn bị dụng cụ, khử khuẩn nội bộ. Như vậy, giữa tâm dịch, một nhân viên y tế phải làm việc hơn 10 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Theo chị Phạm Thị Tố Uyên, nhân viên Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng (CDC Hà Nội) kể, mỗi mẫu đều phải qua đầy đủ các bước và để có được kết quả thì mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ. Nếu kết quả âm tính thì không sao, nhưng dương tính, sẽ phải làm lại từ đầu để xác định kết quả chính xác nhất.
Nhiều lúc họ nói vui với nhau rằng, điện thoại di động có thể để sập nguồn, nhưng họ không thể sập, kể cả có thì cũng phải “nạp pin” khẩn cấp để tiếp tục “chạy”. Có khi guồng quay công việc cứ cuốn đi không dừng khiến họ không còn sức để mệt nữa. Dù khó khăn, vất vả, song họ không bao giờ ngại ngần, cứ cố gắng làm việc với quyết tâm cao, bỏ ngoài thân sự nhọc nhằn, mọi thở than.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức cho biết, theo biên chế, mỗi xã/phường chỉ có khoảng 10 cán bộ y tế. Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, những cán bộ này làm việc không kịp thở. Ngoài điều tra dịch tễ, họ còn kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn cách phòng tránh dịch bệnh tại nhà cho người dân, ra quyết định cách ly, trực điện thoại đường dây nóng để hướng dẫn người dân khai báo y tế, lấy mẫu và truy vết, còn kiêm nhiệm việc tiêm chủng. Khối lượng công việc đồ sộ đang khiến tình trạng quá tải trở nên đáng lo ngại.
Nhiều cán bộ làm công tác truy vết, xét nghiệm không ngăn nổi dòng nước mắt khi chưa thể làm tròn bổn phận người con lúc cha mẹ ốm đau, lòng nhói đau nhìn con thơ khóc ngằn ngặt đòi sữa mẹ. Song không vì thế mà họ nản lòng, đôi mắt chứa đầy sự quyết tâm, trong tim tràn đầy nhiệt huyết. Khi còn dịch bệnh, họ sẽ không từ bỏ, làm việc quên ăn, thiếu ngủ, tiếp tục hy sinh vì lợi ích cộng đồng, vì sức khoẻ của người dân, vì sự bình an cho cuộc sống.
Xin được kết bài bằng câu chuyện của bác sĩ Ngô Đức Hùng (Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai). Anh kể, sau thời gian dài chống dịch tại Bắc Giang, rồi TP.HCM trở về ngôi nhà tại Hà Nội, anh thấy túi củ đậu bỏ quên trên ghế sofa khi vội vàng lên đường đã mọc mầm và vươn nhành xanh lên khung cửa sổ.
Tin rằng, cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, đau thương, mất mát rồi cũng trở thành dĩ vãng, mùa đông lạnh lẽo sẽ nhường chỗ cho ngày xuân ấm áp, hoa lá đâm chồi, nảy lộc...
Sự kỳ thị và thiếu thốn
Những ngày đầu chống dịch Covid-19, sự kỳ thị với các nhân viên truy vết, xét nghiệm là rõ ràng. Người ta xa lánh, tảng lờ họ với suy nghĩ đây là những người tiếp xúc với F0. TS. Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó giám đốc CDC Hà Nội kể lại, có nữ kỹ thuật viên khi trở về nhà, người trong khu chung cư thấy cô trong thang máy thì chạy ra hết.
Cũng trong những ngày đầu, mọi thứ đều thiếu thốn, nhất là khẩu trang, thiết bị bảo hộ. Một lần xảy ra sự cố mất điện tại CDC Hà Nội khiến labo phải dừng hoạt động trong 3 tiếng. Tất cả kỹ thuật viên chấp nhận đeo khẩu trang N95 trong suốt thời gian chờ đợi có điện trở lại, họ tiếc phải bỏ đi khi tháo ra. Còn với bộ đồ bảo hộ như phi hành gia, trong suốt một ca làm việc 6-8 tiếng, ngứa cũng không được gãi, khát không được uống, vệ sinh không được đi bởi nếu cởi ra thì phải thay bộ mới…