Sáng 28/11, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa được UBND TP chấp thuận việc nạo vét Hồ Hoàn Kiếm bằng phương pháp thủ công.
Theo khảo sát của Công ty, hệ sinh thái thủy vực Hồ Gươm bao gồm thực vật nổi, động vật nổi, thực vật thủy sinh, vi sinh vật, động vật không xương sống, cá. Mật độ vi khuẩn nhóm Coliform, E. Coli rất cao. Hồ có 59 loài vi tảo, chiếm ưu thế là vi khuẩn lam với 23 loài.
Để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên, đơn vị thi công sẽ phân 3 vùng (với khoảng 32.500 m2 mỗi vùng) và triển khai nạo vét trong thời gian dài, giúp ổn định lại đường bờ và hệ sinh thái được thích nghi dần với sự thay đổi cấu trúc đáy hồ.
Tất cả các hoạt động nạo vét chỉ được diễn ra trong ranh giới vùng thi công.Hệ thủy sinh sẽ được dùng lướt dồn vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công.
Lưới để dồn hệ thủy sinh bao gồm lưới quây và lưới kéo kích thước mắt lưới 4x4 mm, chiều cao 2,5 m; phía trên có giềng phao, phía dưới có giềng chì và lưới thoát bùn cao 30 cm.
Huy động gần 100 phương tiện, thiết bị
Quá trình thi công, các đơn vị sẽ sử dụng máy xúc đứng trên phà nhỏ xúc bùn lên phễu chứa của xe bơm bùn công suất 80m3/h; ống dẫn bùn nằm trên các phương tiện nổi để dẫn vào bờ. Các công nhân sẽ bơm bùn từ xe bơm lên xe téc và vận chuyển đi đổ.
Đơn vị thi công huy động gần 100 phương tiện như máy gầu xúc, phà nhỏ, xe bơm, xe téc, thùng phuy, xe chở rác, thuyền thu gom..., và cả trăm công nhân.
Theo kế hoạch, tổng khối lượng nạo vét ở hồ Gươm là 57.400 m3, mỗi ngày khoảng trên 800 m3 bùn đất, diện tích khu vực nạo vét bùn là 9,7 ha.
Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện từ 1/12 đến 7/2/2018; từ 21h đến 5h sáng mỗi ngày (thứ hai đến thứ năm) và từ 24h đến 5h sáng hôm sau (thứ sáu đến Chủ nhật).
Theo kế hoạch, số bùn thải sẽ được di chuyển 13 km về khu vực đổ phế thải ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện dự án nạo vét Hồ Gươm là 29 tỷ đồng, bằng nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách thành phố.