Hà Nội nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao

0:00 / 0:00
0:00
Trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, dự tính lưu lượng người đi và đến Hà Nội sẽ rất đông, cộng thêm nhiều yếu tố khách quan khác nên nguy cơ dịch xuất hiện trở lại là rất cao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Hà Nội mới. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Hà Nội mới.

Chiều 26/4, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, ông Chử Xuân Dũng cho rằng, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới hết sức phức tạp nhất là tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia…

Tại Hà Nội, mặc dù đến nay đã 70 ngày không có ca mắc mới ngoài cộng đồng, tuy nhiên thời gian sắp tới, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, theo dự tính, lưu lượng người đi và đến Hà Nội sẽ rất đông, cộng thêm các yếu tố như các chuyên gia nước ngoài tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam và Hà Nội, người dân có tâm lý chủ quan... thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, siết chặt công tác phòng chống, dịch; đồng thời, nâng cao mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao. Ông Dũng cũng yêu cầu các đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra của các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác xử phạt; rà soát, chuẩn bị các điều kiện khi có ca dương tính với SARS-CoV-2.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống dịch, theo đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị.

"Khi phát hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly ngay, không để lây lan diện rộng và tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Cơ quan chức năng phải ứng trực, tiếp nhận phản ánh người dân ngay cả trong ngày nghỉ để cập nhật thông tin kịp thời và phòng chống dịch hiệu quả", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Sở Y tế thường xuyên rà soát các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh. Trong đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất mở rộng các khu cách ly tập trung F1.

"Nếu có 100 bệnh nhân Covid-19 thì cần có 5.000 chỗ cách ly các trường hợp F1. Do đó, cần phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế để không lúng túng khi có tình huống xảy ra", ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý.

Cung cấp thêm thông tin về các đơn vị làm xét nghiệm Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, ngoài Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, có thêm 8 bệnh viện được triển khai công tác trên.

Trong đó, có 6 bệnh viện được xét nghiệm sàng lọc và 2 bệnh viện (Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) được xét nghiệm khẳng định. Tuy nhiên, để các bệnh viên trên làm tốt nhiệm vụ được giao, cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư tiêu hao, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đợt 2, bắt đầu tiêm từ ngày 19/4, đến nay, đã tiêm được 34.200 người, trên số đối tượng dự kiến là 53.350, đạt tỷ lệ 64,1%. Theo lãnh đạo Sở Y tế, hy vọng hết tháng 4 đến đầu tháng 5, thành phố sẽ tiêm hết số vaccine đã được Bộ Y tế phân bổ trong đợt 2.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục