Chậm, chậm và chậm…
Từ tháng 5/2023, theo công bố của TP. Hà Nội, trên địa bàn chỉ có duy nhất 1 dự án nhà ở xã hội được mở bán trong tổng số 14 dự án có kế hoạch là NHS Trung Văn của Liên danh NHS và ICON4 làm chủ đầu tư, còn lại cho tới thời điểm này đều “án binh bất động”.
Đơn cử, dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Hạ Đình nằm trên địa bàn xã Tân Triều của Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweico) với tên thương mại UDIC Eco Tower Hạ Đình đã được phê duyệt chủ trương đầu tư (tháng 6/2021), phê duyệt quy hoạch 1/500 (năm 2022)…, nhưng theo Kết luận thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội, do chưa bố trí được quỹ đất tái định cư để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng dự án nên tới nay chưa thể khởi công. Được biết, theo tiến độ yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, Haweico phải khởi công xây dựng nhà ở xã hội từ quý IV/2022 để đưa vào khai thác, sử dụng vào quý IV/2024.
Tương tự, dự án Rice City Tố Hữu do Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư cũng chưa thể hoàn thành vào quý III/2022 như kế hoạch. Hiện tại, dự án này chưa có hoạt động xây dựng, trên khu đất phát triển dự án chủ yếu là các cửa hàng hoa, cây cảnh, gốm sứ…
Theo thông tin trên trang web của BIC Việt Nam, dự án Rice City Tố Hữu đang được hoàn thiện pháp lý và hạ tầng để tiến hành nhận hồ sơ mua nhà theo đúng quy định của pháp luật. Điều đáng lưu ý là, chủ đầu tư chưa tiến hành bất kỳ công tác bán hàng hay thu hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội nào, thế nhưng dự án lại đang được rao bán trên các mạng xã hội với mức giá trên dưới 20 triệu đồng/m2.
|
Nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt (Trong ảnh: Nhà mẫu tại dự án nhà ở xã hội Khu công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh). Ảnh: Dũng Minh |
Một dự án nhà ở xã hội khác là Him Lam Thượng Thanh tại quận Long Biên do BIC Việt Nam liên danh với Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô làm chủ đầu tư cũng đang chậm tiến độ . Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, dự kiến hoàn thành vào quý II/2021, nhưng hiện vẫn chưa được xây dựng vì một lý do đơn giản là... chưa được TP. Hà Nội giao đất. Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 vừa được duyệt của quận Long Biên, dự án Him Lam Thượng Thanh tiếp tục được đưa vào, song việc triển khai cụ thể chưa được công bố.
Hay tại quận Nam Từ Liêm, dự án nhà ở xã hội Green Tower Đại Mỗ do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư (nằm trong Khu đô thị FLC Đại Mỗ) theo kế hoạch ban đầu sẽ được triển khai trong năm 2021, bắt đầu ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng mua đợt đầu vào tháng 11 cùng năm và các đợt sau vào tháng 6, tháng 9/2022, nhưng đã dừng thi công từ tháng 3/2022 tới nay.
Đáng chú ý, gần đây, trên một số trang rao bán bất động sản xuất hiện thông tin dự án này có chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển G6, song hiện chưa rõ các thông tin mở bán.
Tương tự, dự án nhà ở xã hội Bảo Ngọc City của Công ty cổ phần đầu tư Bảo Ngọc TTC cũng nằm trong danh sách các dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ tại Hà Nội. Theo thông tin của chủ đầu tư, thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào quý I/2024, nhưng tới nay chưa có bất kỳ hoạt động xây dựng nào diễn ra. Riêng khối nhà xây thô nằm trong khuôn viên dự án lại thuộc một dự án khác có từ trước khi dự án nhà ở xã hội Bảo Ngọc được phê duyệt.
Chủ đầu tư cũng cho biết, dự án nhà ở xã hội Bảo Ngọc City đang trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý và sẽ xây dựng theo đúng tiến độ để đảm bảo có thể bàn giao cho cư dân vào năm 2025-2026.
Vẫn là nút thắt pháp lý
Ngày 3/4/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn và giai đoạn 2025-2030 là khoảng 634.200 căn.
Thế nhưng, đến nay, quá nửa giai đoạn 2021-2025 trôi qua mà số căn hộ hoàn thành vẫn rất khiêm tốn. Tại hội nghị triển khai đề án năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, mới có 6 dự án nhà ở xã hội ở các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 0,4% gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành để phát triển loại hình nhà ở này.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, rào cản đầu tiên và khó khăn nhất cản trở các dự án nhà ở xã hội tiếp cận vốn tín dụng là pháp lý. Thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội phức tạp, mất nhiều thời gian hơn dự án nhà ở thương mại. Nhiều dự án bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư. Quá trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất lúa mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Một số dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt nhưng chưa có nhà đầu tư, chưa có lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể…
Còn ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes - doanh nghiệp dự kiến triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội với thương hiệu Happy Home cho hay, khi phát triển dự án nhà ở xã hội, dù doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải xác định tiền thuê đất. Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng mua cũng mất nhiều thời gian. Không chỉ vướng mắc về thủ tục thực hiện dự án, một số đơn vị còn gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm khi duyệt giá bán. Theo quy định, thời gian thực hiện thủ tục này là 1 tháng, nhưng có trường hợp kéo dài tới 5 tháng mới xong.
Tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ cách đây không lâu, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn và ngay trong năm 2024, dự kiến chuyển tiếp 3 dự án với 78.000 m2 sàn phải hoàn thành, tương đương khoảng 1.180 căn và khởi công 9 dự án quy mô khoảng 6.400 căn hộ. Do đó, UBND Thành phố đã thống nhất báo cáo với Thành ủy Hà Nội để ban hành một nghị quyết và có một chương trình tổ chức triển khai cho toàn hệ thống chính trị.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo Chính phủ quy định riêng để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian so với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành. Nội dung này cũng gắn với việc thời điểm 3 sắc luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cùng các nghị định hướng dẫn chính thức có hiệu lực thi hành.