Chuyển biến chậm
Báo cáo về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện quý II/2018, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết:
"Hà Nội hiện có 55 công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư 486.991 tỷ đồng, trong đó, có 26 dự án sử dụng vốn ngân sách và vốn ODA, 27 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và 2 dự án xã hội hóa".
Dự án Đường sắt trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang bỏ ngỏ thời gian hoàn thành. Ảnh: Đức Thanh
Tính đến hết tháng 6/2018, trong tổng số 24 dự án sử dụng vốn đầu tư công cấp thành phố (có 2 công trình sử dụng vốn ngân sách cấp huyện), có 2 dự án đã hoàn thành; 14 dự án chuyển tiếp đang đẩy nhanh tiến độ thi công và 8 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Cụ thể, 2 công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là cầu vượt tại nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái và cầu vượt tại nút giao Cổ Linh.
Việc đưa vào sử dụng 2 cây cầu này đã góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông tại những nút giao có mật độ phương tiện qua lại thuộc loại lớn nhất Thủ đô.
21 dự án có khả năng chậm tiến độ là nhiệm vụ khá nặng nề với bộ máy lãnh đạo Thành phố, bởi đây đều là những dự án có quy mô đầu tư lớn.
Ngoài ra, trong 14 công trình mà Hà Nội đang triển khai xây dựng, đã có 1 công trình cơ bản hoàn thành là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Các công trình còn lại (mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, cải tạo nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh niên, tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội… vẫn đang “bỏ ngỏ” thời gian hoàn thành.
Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, trong quá trình triển khai, một số dự án chậm tiến độ so với yêu cầu. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng của 2 tuyến đường sắt đô thị; Dự án Mở rộng đường vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II,… còn vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ.
Một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, như Bệnh viện Nhi, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên - Khu liên cơ Võ Chí Công, Bệnh viện Thanh Nhàn,… dẫn đến tiến độ thi công bị chậm lại.
“Đáng chú ý, với các dự án PPP, chủ đầu tư còn chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án”, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Khó khăn chồng chất
Ðánh giá tình hình triển khai các dự án, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, dự kiến đến hết năm 2020, có 34/55 dự án (chiếm 62%) sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác đúng tiến độ; 21 dự án có khả năng chậm tiến độ.
Theo lý giải của sở này, việc triển khai các dự án trọng điểm của TP. Hà Nội chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn vướng mắc, nhất là các dự án xây dựng công trình giao thông, cải tạo môi trường, như các dự án đường sắt đô thị, Dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn…
Thứ hai, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA được thực hiện từ nhiều nguồn vốn của các nhà tài trợ khác nhau, nên quá trình triển khai phải xin ý kiến của từng nhà tài trợ, dẫn đến kéo dài thời gian, trong khi thủ tục phê duyệt bổ sung vốn ODA kéo dài.
Thứ ba, từ năm 2017, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc giải ngân vốn ODA phải căn cứ mức vốn kế hoạch hàng năm, chứ không theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ, trong khi mức vốn ODA bố trí hàng năm bị khống chế bởi trần nợ công, nên tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp bị chậm lại để phù hợp với mức vốn được bố trí.
Thứ tư, Luật Đầu tư công (Điều 76) cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau, khiến chủ đầu tư có xu hướng giải ngân dồn vào thời điểm cuối năm và chuyển nguồn sang năm sau.
Tại hội nghị kiểm điểm tiến độ các dự án trọng điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh: "Không có cách gì khác để thúc đẩy tiến độ là tập trung tháo gỡ khó khăn cho từng dự án".
Ông Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo, lập kế hoạch cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án trên tinh thần vướng mắc ở đâu phải tháo gỡ ngay chỗ đó.
Chỉ còn hơn 2 năm nữa là đến thời hạn phải hoàn thành các dự án trọng điểm. Bởi vậy, con số 21 dự án có khả năng chậm tiến độ là nhiệm vụ khá nặng nề với bộ máy lãnh đạo Thành phố, bởi đây đều là những dự án có quy mô đầu tư lớn.