Ý kiến này được đưa ra sau buổi họp của hội đồng thẩm định Nhà nước về đồ án quy hoạch Thủ đô, diễn ra vào giữa tuần trước. Một trong những điểm nổi bật của lần góp ý này là lãnh đạo thành phố đã đồng thuận quan điểm với Bộ Xây dựng về việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, sau khi nghiên cứu, cân nhắc kỹ các lợi ích của hạng mục này, lãnh đạo thành phố thấy rằng cần thiết xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì nhằm tạo ra các trục cảnh quan từ trung tâm Ba Đình - Hồ Tây về các phía Cổ Loa, Sóc Sơn và Ba Vì.
Với ý nghĩa đó, Hà Nội cho rằng, trục Hồ Tây - Ba Vì mang tính chất trục không gian cảnh quan hỗ trợ liên kết các không gian cảnh quan lớn từ Ba Đình - Hồ Tây - Tây Hồ Tây - Ba Vì. Do đó, trục này nên kết thúc tại trước hồ Đồng Mô, ngay dưới chân núi Ba Vì.
Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hà Nội, trước mắt, để tạo một trục cảnh quan, điểm nhấn không gian kiến trúc đô thị mới của Thủ đô, chỉ nên xây dựng một đoạn từ vành đai 3 đến vành đai 4.
Cùng với đó là quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng trong khu vực hành lang xanh và đoạn có hướng tuyến còn lại xác định theo địa hình và đặc điểm hiện trạng để khi cần xây dựng không cần phải giải phóng mặt bằng hoặc hạn chế tới mức thấp nhất.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, trong một văn bản góp ý về đồ án trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã bày tỏ quan điểm không tán thành việc dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì. Cùng với đó, Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì là không cần thiết và không có ý nghĩa nhiều về mặt giao thông, kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, với tư cách là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện đồ án, Bộ Xây dựng cho rằng, dù trung tâm hành chính quốc gia không chuyển lên Ba Vì thì việc xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì là vẫn cần thiết. Khi đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đã khẳng định rằng, việc xây trục này là phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, hoàn toàn không có chuyện vì lợi ích của các dự án ăn theo.