Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc Vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch -đến cầu Thăng Long) là để phục vụ dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường theo quy hoạch đã phê duyệt.
Tuyến đường Vành đai 3 là trục đường huyết mạch, là tuyến đường hết sức quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội cũng như là trục chính đô thị phục vụ đi lại nội đô Hà Nội.
Đoạn đường hiện tại có mật độ xe lưu thông dày đặc với lưu lượng xe thuộc loại cao nhất của Thành phố. Nhưng hệ thống giao thông cũ kỹ và điểm giao đồng mức nê tuyến đường cần phải đầu tư mở rộng tuyến đường.
Để triển khai dự án, chủ đầu tư - Bộ Giao thông - Vận tải đã tiến hành giải phóng mặt bằng, giải tỏa 884 hộ dân, 57 đơn vị cơ quan, công trình hạ tầng kỹ thuật như điện cao thế 110KV, điện trung thế 22KV, điện hạ thế 0,4KV, di chuyển hệ thống thông tin của 18 cơ quan, di chuyển hệ thống nước sạch nằm trong chỉ giới đường đỏ của dự án. Chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 65% giá trị tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài việc giải tỏa công trình nhà, công trình hạ tầng, dọc tuyến đường có lượng cây xanh đáng kể cần phải tính toán, xử lý phục vụ công tác triển khai làm đường.
Đơn vị tư vấn Tedi đã xây dựng tiêu chí và phương án di chuyển, giải tỏa cây xanh nhằm giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Theo đó, tuyến đường có tổng số 1.315 cây, trong đó giữ nguyên vị trí 142 cây, dịch chuyển 158 cây, số còn lại 1.015 cây phải giải tỏa.
Phương án này đã được Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thống nhất.
Dù vậy, ông Lê Văn Dục khẳng định, Hà Nội “chưa quyết” việc chặt 1.015 cây xanh này. Theo ông Dục, việc này còn cần lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và để đông đảo người dân biết, tham gia ý kiến từ đó có được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.
Thông tin thêm về cây xà cừ thuộc phạm vi dự án, ông Lê Văn Dục cho biết, trong tổng số chỉ có 986 cây xà cừ, trong đó chia thành hai nhóm: (1) nhóm cây có đường kính 80 -1m2, tuổi trung bình 56-60 tuổi và chỉ chiếm 10% nằm ở cuối đường Pạhm Văn Đồng. Còn lại là cây trồng từ năm 1985 có đường kính 40 – 55 cm. Đây là nhóm cây ưu tiên đánh chuyển nhất là với những cây tái sử dụng được.
Ông Lê Văn Dục nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Hà Nội là trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước.
Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải tỏa, chặt hạ.
Theo ông Lê Văn Dục, các trường hợp bất khả kháng thì phải buộc phải chặt hạ ví dụ như cây ở vị trí hẹp, phía dưới là công trình ngầm thì khó có thể di chuyển, bắt buộc phải chặt hạ. Còn lại cây xanh ở vị trí rộng rãi có thể di chuyển được thì chắc chắn sẽ di chuyển có thể đưa về khu 6,5 ha và công viên yên sở và tái sử dụng ở các công viên.
Theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long đại diện chủ đầu tư cho Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III Hà Nội.
Tổng chiều dài dự án 5.367m với 3 nút giao Hoàng Quốc Việt, Tây Thăng Long, Nam Thăng Long và 3 cụm cầu nhánh lên, xuống, đường nhánh kết nối đường đô thị dưới cầu với cầu Thăng Long.
Dựa án chia làm 2 gói thầu (1) đoạn Mai Dịch – Cổ Nhuế và (2) đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long.
Tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng với vốn ODA từ JICA và vốn đối ứng trong nước
Thời gian thực hiện dự án 56 tháng.
Thời gian thi công 28 tháng, dự kiến khởi công quý 3/2017 hoàn thành quý IV/2019.