Báo cáo hàng năm của Economist Intelligence Unit (EIU), dựa trên việc xếp hạng 172 thành phố trên các tiêu chí ổn định, chăm sóc sức khỏe, văn hóa và môi trường, giáo dục và hạ tầng vừa công bố bảng xếp hạng những thành phố đáng sống nhất thế giới. Với việc tăng 20 bậc, Hà Nội thuộc nhóm 10 thành phố tăng hạng nhiều nhất trong 12 tháng của bảng xếp hạng này và đứng thứ 129/172 thành phố được xếp hạng.
Theo EIU, Hà Nội hơn 1.000 tuổi, đang hội nhập cùng bạn bè thế giới với các phương tiện giao thông tiên tiến. Thành phố cũng tích cực đầu tư hạ tầng giao thông nhưng vẫn giữ nét cổ kính. Thủ đô của Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn, ghi dấu ấn trong lòng du khách quốc tế với vẻ đẹp dịu dàng, thanh bình và những dấu tích lịch sử như hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm; những kiến trúc còn mãi với thời gian như Nhà hát lớn, cầu Long Biên...
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Thủ đô đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 10,3 triệu lượt, tăng 22,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3%; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 61,1%.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch golf, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng và phát triển 1 đến 2 sản phẩm tour, tuyến du lịch golf hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh.
Thành phố đã có nhiều giải pháp đồng bộ để phục hồi kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng, đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như mở rộng và thúc đẩy hoạt động các tuyến phố đi bộ: Hồ Gươm, Trịnh Công Sơn, hồ Thiền Quang, Thành cổ Sơn Tây…
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kết nối với khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình)…
Nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Thành phố tổ chức 127 chuyến xe buýt hai tầng phục vụ hơn 6.680 lượt khách tham quan Thủ đô miễn phí. Đặc biệt, ngày 6/6, Lễ công bố danh sách các nhà hàng Việt Nam đạt chuẩn Michelin Guide, Hà Nội có 3 nhà hàng đạt 1 sao Michelin. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, nâng tầm văn hóa ẩm thực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, tạo sức hút du khách quốc tế.
“Tuy không có biển, nhưng với đặc thù là du lịch đô thị nên sự chênh lệch giữa các mùa không quá lớn. Hà Nội thu hút khách bởi những loại hình du lịch độc đáo, điểm đến hấp dẫn và hướng tới đối tượng đa dạng và phong phú suốt 4 mùa trong năm. Mỗi mùa, Hà Nội lại có những sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế và nội địa đến để trải nghiệm, tham quan và tìm hiểu như du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch MICE… Đây chính là sức hấp dẫn riêng có của Hà Nội”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết.
Cũng theo bà Giang, để thu hút du khách đến Hà Nội trong dịp hè năm nay, Sở Du lịch Hà Nội đã đề ra chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, Hà Nội tập trung thực hiện nhóm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, khác biệt; trong đó, chú trọng vào các nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đêm, du lịch thể thao.
Nửa cuối năm 2023, Sở sẽ tạo đột phá trong quảng bá du lịch, phối hợp với các đơn vị, quận huyện tổ chức 50 sự kiện quảng bá du lịch Thủ đô như: Lễ hội áo dài, Lễ hội quà tặng, Festival thu Hà Nội… Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền, giới thiệu điểm đến; triển khai đa dạng các chiến dịch quảng bá trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của thành phố và Sở Du lịch, các nền tảng mạng xã hội; liên kết các hiệp hội, đơn vị kinh doanh du lịch triển khai các chương trình xúc tiến du lịch thực sự hiệu quả, thực chất tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn.
Trong dài hạn, ngành du lịch Thủ đô đẩy mạnh tái cơ cấu, bảo đảm phát triển toàn diện, bền vững; trong đó, đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án công viên chuyên đề, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm mua sắm; đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cả 4 mùa.