Phiên giao dịch được tổ chức tại số 33 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội từ ngày 21/11 - 23/11/2024. Đây là dịp để các tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của Hà Giang và Hà Nội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức sản xuất, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và tăng cường kết nối giao thương.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 20 tổ hợp tác, hợp tác xã, và cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn đến từ tỉnh Hà Giang. Với gần 40 loại sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực được trưng bày, giới thiệu, chương trình không chỉ tạo ra cơ hội quảng bá mà còn khẳng định chất lượng và tiềm năng của các sản phẩm đặc trưng vùng cao.
Đáng chú ý, trong ngày khai mạc 21/11, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã thành công kết nối tiêu thụ hơn 2 tấn cam vàng Hà Giang, một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của địa phương.
Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, nơi có công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và là nơi có 19 đồng bào các dân tộc sinh sống cùng những cánh đồng ruộng bậc thang nổi tiếng… Cùng với sự cần cù, chịu khó, người dân Hà Giang đã xây dựng, sáng tạo ra hàng trăm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như cam, chè, mật ong bạc hà, hồng không hạt, thịt bò khô… Riêng sản phẩm chè, địa phương này đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý).
Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Thành phố Hà Nội, việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn của Hà Giang và các tỉnh khác tại Hà Nội thể hiện trách nhiệm của các tổ chức trong việc đưa nông sản đạt chuẩn VietGAP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô. Hai Hội Nông dân của Hà Nội và Hà Giang đã xác định rõ định hướng hợp tác nhằm đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm đặc trưng.
|
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP sẽ là nền tảng quan trọng để được tiêu thụ tại Hà Nội. |
Ngoài ra, hai bên cũng cam kết hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Một trong những trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giúp truy xuất nguồn gốc, quảng bá trực tuyến, và phát triển thương mại điện tử. Các sản phẩm thế mạnh của Hà Giang như cam vàng, chè Shan tuyết, mật ong… sẽ được ưu tiên đưa vào các chương trình tiêu thụ có quy mô lớn tại Hà Nội.
Trao đổi thêm về những việc tổ chức Hội đang hỗ trợ nông dân, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang luôn xác định việc hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân.
“Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức được nhiều hoạt động, sự kiện “Kết nối nông sản” trong và ngoài tỉnh Hà Giang. Để tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp và hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang xác định thành phố Hà Nội là thị trường tiềm năng, rộng lớn nhất, có nhu cầu cao nhất trong số các địa phương cấp tỉnh ở miền Bắc.”, bà Thúy nói.
Riêng với cam vàng Hà Giang, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Hội phối hợp cùng các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng báo chí, website, fanpage, và các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua các hoạt động này, hình ảnh cam vàng Hà Giang được lan tỏa đến cán bộ, hội viên, tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng tại Thủ đô.
Bên cạnh đó, Công đoàn Hội Nông dân Thành phố cũng phát động phong trào tiêu thụ cam vàng trong đội ngũ cán bộ, công chức, và người lao động. Hoạt động này không chỉ góp phần hỗ trợ nông dân Hà Giang tiêu thụ sản phẩm mà còn nâng cao nhận thức về việc sử dụng nông sản an toàn, chất lượng. Công đoàn còn tiến hành tổng hợp nhu cầu từ các cơ sở Hội trên địa bàn để triển khai hỗ trợ tiêu thụ một cách bài bản và hiệu quả hơn.
Là khách hàng tham gia phiên giao dịch, bà Nguyễn Thị Thanh (Ba Đình) chia sẻ: "Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Thành phố Hà Nội thường xuyên đưa về những sản phẩm đặc sắc từ các tỉnh, thành. Hôm nay có thêm các sản phẩm của Hà Giang, rất đa dạng và hấp dẫn. Tôi đã chọn được một số sản phẩm tiêu dùng cho gia đình. Mong rằng Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp đưa về nhiều sản phẩm hơn nữa để người dân có thêm cơ hội lựa chọn."
Ngoài cam vàng, Hội Nông dân Thành phố Hà Nội còn phối hợp với các huyện và thị xã để đăng ký và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Hà Giang, góp phần khẳng định vị thế của các sản phẩm này trên thị trường.
Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Thành phố Hà Nội và Hội Nông dân tỉnh Hà Giang giai đoạn 2024 - 2028 không chỉ hướng đến tiêu thụ nông sản, mà còn xây dựng chuỗi giá trị bền vững, góp phần nâng cao đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững tại hai địa phương.