Hà Nội giảm 80% chuyến lượt xe buýt để phòng COVID-19 từ ngày 27/3

Chính thức từ hôm nay, ngày 27/3, tần suất xe buýt hoạt động trên địa bàn Hà Nội sẽ chỉ ở mức 45 - 60 - 90 phút/lượt và sẽ có khoảng 12.430 lượt xe buýt mỗi ngày phải dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19.
Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao uthoong công chông để phòng chống dịch Covid -19 (ảnh minh họa) Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao uthoong công chông để phòng chống dịch Covid -19 (ảnh minh họa)

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), từ ngày 27/3, Hà Nội sẽ dừng hoạt động 80% chuyến lượt xe buýt. Tần suất xe hoạt động sẽ chỉ còn ở mức 45 - 60 - 90 phút/lượt so với tần suất 5 - 10 - 15 - 20 phút/lượt trước đây.

Đây là nội dung chính của Transerco báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các Sở Giao thông Vận tải, Tài chính phương án điều chỉnh hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Tổng công ty trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 (từ ngày 27/3 đến ngày 5/4).

Theo đó, trước ngày 1/4, Transerco giảm 7.558 lượt xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt của Tổng công ty (tương đương 77% số lượt xe); sau ngày 1/4 giảm 7.832 lượt xe/ngày trên tất cả các tuyến buýt của Tổng công ty (tương đương 77,5% số lượt xe). Thời gian hoạt động của xe buýt cũng ít hơn, từ 6 giờ sáng đến 20 giờ so với khoảng thời gian hoạt động bình thường của xe buýt là từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

Theo tính toán của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), mỗi ngày sẽ có khoảng 12.430 lượt xe buýt phải dừng hoạt động. Trước đó, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, từ ngày 22/3, Transerco đã giảm 900 lượt xe trên 28 tuyến buýt, tương đương 21,3% số chuyến lượt.

Trong quá trình thực hiện tới, Transerco sẽ tiếp tục theo dõi và căn cứ tình hình thực tế để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở ngành liên quan điều chỉnh nếu cần thiết.

Những ngày qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã liên tục khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để phòng lây lan dịch Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ hạn chế bay từ hai thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) đến các thành phố khác. Các địa phương tạm dừng hoặc tổ chức rất ít chuyến giao thông công cộng. Việc đi lại của người dân từ các thành phố, khu vực có dịch được quản lý như đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 28/3 và kéo dài trong một hoặc vài tuần.

Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh Covid-19 dành cho người điều khiển và hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu hành khách khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Trong trường hợp phải sử dụng loại phương tiện này hành khách cần luôn sử dụng khẩu trang đúng cách trong quá trình di chuyển, khi tham gia phương tiện giao thông công cộng và tại nơi công cộng như ga tàu, bến xe, sân bay.

Che kín miệng và mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc mặt trước khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi qui định. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, thải bỏ khăn giấy và khi rời khỏi phương tiện giao thông.

Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang nếu đeo khẩu trang. Hạn chế tiếp xúc với các bề mặt, nói chuyện, ăn uống trên phương tiện giao thông và không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga.

Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời và tránh tiếp xúc gần với hành khách đó.

"Sau khi kết thúc chuyến đi, nếu có xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần liên hệ đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã đi và đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời", Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng khuyến cáo người điều khiển phương tiện công cộng chủ động nhiều giải pháp để bảo vệ bản thân, hành khách trong trước, trong và sau khi làm việc.

Thanh Nga
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục