Ngày 19/4, tại buổi thông tin báo chí về kế hoạch thoát nước 2019, ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị này đã xây dựng phương án và đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét, phê duyệt thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Đề án trên với mục tiêu bổ cập nước (trạm bơm có công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm) nhằm duy trì ổn định mực nước Hồ Tây, thau rửa liên tục cải thiện chất lượng nước hồ, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho các loại thủy sinh trong hồ.
Việc bổ cập nước vào Hồ Tây còn tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường sinh thái, tạo điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ, các hoạt động văn hóa của Thủ đô.
Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho biết, việc cải thiện chất nước sông Tô Lịch qua việc điều tiết nước từ Hồ Tây qua hai cửa xả Hồ Tây A và Hồ Tây B.
Về mặt cải thiện nguồn nước ao hồ và sông ngòi trên địa bàn Hà Nội, ông Võ Tiến Hùng cho biết, từ trước đến nay có nhiều đề xuất của các chuyên gia nước ngoài, nhưng phần lớn không khả thi.
Ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch Công ty Thoát nước Hà Nội
Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đoàn chuyên gia Nhật Bản do Tiến sĩ Tadashi Yamamura dẫn đầu đã đề xuất được tài trợ miễn phí thí điểm xử lý ô nhiễm nước một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ mới.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Đây là công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh. Với công nghệ này, chỉ sau 3 ngày thì mùi sẽ giảm nhiều.
Công nghệ của Nhật Bản bao gồm máy sục khí công nghệ nano, sử dụng vật liệu thiên nhiên... Ông cũng cho biết, phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị này; hy vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Tiến Hùng cho biết, có thể thành phố sẽ giao cho công ty làm việc với các chuyên gia Nhật Bản về công nghệ làm sạch lòng sông Tô Lịch.
“Chúng tôi mới nắm được thông tin, nhưng có lẽ công nghệ đó không khả thi. Vì sông Tô Lịch phần lớn là nguồn nước thải, không có nước lưu thông, không có dòng chảy nên khó áp dụng công nghệ đó”, ông Hùng nói.