Hà Nội dừng cấp phép xây nhà thương mại

Để xử lý gần 6.000 căn hộ tồn đọng, UBND thành phố sẽ dừng xem xét các đề xuất phát triển nhà ở thương mại từ nay đến hết năm sau.
Hà Nội sẽ không cấp phép những dự án thương mại mới.

Theo báo cáo Tổ Công tác phối hợp triển khai chiến lược phát triển nhà, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, UBND thành phố đã cho phép chuyển đổi 3 dự án từ nhà ở thương mại sang thu nhập thấp tại Dự án Xây dựng khu nhà ở Trung Văn mở rộng tại huyện Từ Liêm, chuyển đổi giai đoạn 1 khu nhà ở cao tầng đô thị sông Đà; Dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long.

 

Sở Xây dựng cũng đã phối hợp cùng quận huyện rà soát phân loại các dự án tiếp tục triển khai, dự án tạm dừng, cần cơ cấu lại. Hiện Sở đã kiểm tra một số dự án như Khu đô thị Thiên Mã (công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư); Dự án Mai Trang- Nghĩa Phủ (HUD), Dự án Phú Thịnh (Vinaconex 21); Dự án PD Land (Công ty Pudland) làm chủ đầu tư.

 

Theo UBND thành phố, hiện Hà Nội tồn đọng 5.789 căn hộ, Thành phố sẽ tiếp nhận xem xét đề nghị của Chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ. Đồng thời, Hà Nội tạm dừng không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại từ nay đến 31/12/2014 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Ngân hàng dự kiến rót 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà ở thương mại giá rẻ và phân khúc nhà thu nhập thấp, nhà xã hội...

 

Trao đổi với VnExpress.net, ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, năm 2013 mục tiêu trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ tài chính. "Để giải quyết dứt điểm hàng tồn kho, một trong những giải pháp hay là cần thành lập công ty mua bán bất động sản tồn đọng", ông Võ nói.

 

Hà Nội cùng TP HCM là nơi tập trung nhiều dự án lớn, chiếm gần nửa bất động sản cả nước và cũng là những thị trường gặp nhiều khó khăn nhất năm qua, tỷ lệ tồn kho lớn, nhiều dự án dở dang. Theo Bộ Xây dựng, một phần nguyên nhân là thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch, chưa có điều tra theo nhu cầu của thị trường.

 

Tại Hà Nội, để hoàn thành toàn bộ các dự án đã giao chủ đầu tư thành phố cần khoảng 904.000 tỷ đồng (tương đương 45 tỷ đôla). Khu vực đô thị của thành phố hiện có 733.000 căn hộ, dân số khoảng 3 triệu người, nhưng hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, thiếu trường học, bênh viện nên chưa thu hút được người dân, nhà xây xong nhưng chưa có người đến ở mặc dù nhà đầu tư đã bán hết.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục