Hà Nội dừng cấp đất xây nhà ở cho cán bộ, công chức

(ĐTCK-online) UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 7230/UBND-XD về việc dừng giải quyết các đề nghị cấp đất, lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách.
Từ năm 2006 đến nay, Hà Nội đã và đang xem xét giải quyết tổng số 206 địa điểm để xây dựng nhà ở cho cán bộ công chức

Theo đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện dừng giải quyết các đề nghị cấp đất, lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Sở KH&ĐT chủ trì cùng Sở QH-KT, Sở Xây dựng rà soát, kiểm tra các dự án nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc, đang triển khai thủ tục giao đất. Qua đó tổng hợp, đề xuất dừng các dự án chậm triển khai, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/9. Sở TN&MT chủ trì cùng các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra các dự án đã được giao đất xây dựng nhà ở bán cho đối tượng hưởng lương ngân sách mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, từ đó đề xuất xử lý, báo cáo Thành phố trước ngày 15/10.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện có hơn 355.000 cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách, trong đó, các cơ quan Trung ương có 202.966 người, chiếm 57,1%; số lượng cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội 152.294 người, chiếm 42,9%. Tại khu vực đô thị, các hộ có diện tích nhà ở bình quân nhỏ hơn mức trung bình của Thành phố (20,63 m2/người) chiếm tới gần 47%. Tính từ năm 2006 đến nay, Hà Nội đã và đang xem xét giải quyết tổng số 206 địa điểm để xây dựng nhà ở cho cán bộ các đơn vị, với tổng diện tích đất 596,37 héc-ta, trong đó có 27 địa điểm xây dựng nhà ở cho cán bộ các cơ quan, với diện tích 87,24 héc-ta. Trong đó có 3 dự án đã có quyết định giao đất, 20 dự án đã có chủ trương đầu tư, 4 dự án có thỏa thuận kiến trúc. Hiện tại, một số dự án thuộc diện trên đang có dấu hiệu chậm tiến độ, mua bán, sử dụng sai mục đích, đối tượng, buộc Thành phố phải ra quyết định tạm dừng cấp mới nhằm chấn chỉnh, xử lý các trường hợp sai phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, động thái trên là cần thiết để chấn chỉnh kênh làm nhà ở cho các đối tượng là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang theo chính sách nhà ở. Điều cần làm hiện nay là công khai danh tính các chủ đầu tư, đơn vị có hành vi sai trái như mua đi bán lại dự án hoặc cố tình trao nhà sai đối tượng. Thậm chí, thu hồi các dự án bất minh đó dành cho cơ quan, đơn vị khác, bởi phần đông cán bộ, công chức đang rất cần chỗ ở. Về chủ trương, phải khơi thông nhiều kênh tạo nguồn cung ứng nhà ở cho người dân.

Trong khi Hà Nội tạm dừng cấp đất, dự án làm nhà ở cho cán bộ, công chức, thì kênh làm nhà dành cho người thu nhập thấp cũng đang bị vướng. Trên thực tế, nhà dành cho người thu nhập thấp nhưng mức giá lại quá cao, diện tích rộng hơn nhiều so với khả năng thanh toán của phần đông người có nhu cầu, nguồn cung cũng rất hạn chế.

Ở Hà Nội hiện có hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách vẫn đang phải đi thuê nhà ở, nhưng tại nhiều khu chung cư, khu biệt thự tại các khu đô thị xây dựng đang để hoang chưa có người sử dụng. Thực tế này đòi hỏi UBND thành phố và các sở, ban, ngành cần nhanh chóng tìm lời giải cho bài toán nhà ở công chức.

Châu Anh
Châu Anh

Tin cùng chuyên mục