Ngày 18/10, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, thiết yếu; thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa... trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố, sở, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trước hết là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thành phố sẽ lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá cán bộ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý các cấp, ngành thành phố tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tốt chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Tất và vì hiệu quả công việc chung, vì sự phát triển của thành phố.
Trước đó, tại buổi làm việc, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, quý 3 và 9 tháng năm 2022, kinh tế Thủ đô phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN phát). |
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3 tăng 15,71%, lũy kế 9 tháng, tăng 9,69% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 243.911 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán, bằng 112,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện 48.672 tỷ đồng, đạt 45,5% dự toán, bằng 109,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng năm 2022 đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho gần 22.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 241.700 tỷ đồng (tăng 25% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Trong những tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm duy trì tăng trưởng, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI...
Đáng chú ý, cũng tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo, nêu ý kiến thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thành phố trong bối cảnh khó khăn, nhờ đó đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu đề nghị thành phố quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đáng chú ý, đại biểu mong muốn thành phố chuẩn bị thật tốt dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự có những cơ chế đột phá, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân đã nêu 13 nhóm nội dung về tâm tư, nguyện vọng và 6 nhóm nội dung đề xuất, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô.
Nổi bật trong đó, cử tri và nhân dân Thủ đô đề nghị Quốc hội tập trung sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc về Luật Đất đai; đồng thời Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc và đánh giá thực trạng, sớm làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, kịp thời khắc phục tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công; nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân.