Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 Hà Nội chiều 26/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy cũng như báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tính toán thời gian đi học.
Theo dự kiến, học sinh, sinh viên sẽ đến trường theo từng thời điểm và không phải tất cả đi một lúc.
Ưu tiên cấp học theo thứ tự
Thông tin thêm, ông Chử Xuân Dũng cho hay việc quay trở lại học tập sẽ ưu tiên trước với cấp học mà học sinh chủ yếu trên địa bàn thành phố như mầm non, tiểu học... sau đó mới đến học sinh trường nghề, sinh viên đại học, cao đẳng…
"Thời điểm đi học cụ thể, thành phố sẽ thông báo sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy,” ông Chử Xuân Dũng nói.
Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở, ngành liên quan thường xuyên cập nhật các yêu cầu mới của Ban Chỉ đạo quốc gia và thành phố về công tác quản lý, khai báo y tế với học sinh, sinh viên khi trở về thành phố; thực hiện các biện pháp phòng dịch ở các trường học… có hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới các trường.
Ông Dũng lưu ý các trường nghề có lượng học sinh, sinh viên đến từ các tỉnh thành khác khá đông, do vậy Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần có phương án phân luồng, giám sát chặt chẽ, nhất là với các trường hợp về từ vùng dịch.
Ông cũng yêu cầu các đơn vị trong cuối tuần này phải tổ chức sát khuẩn, chuẩn bị sẵn vật tư phòng dịch. Các nhà trường phải có kịch bản rõ về việc đón, quản lý học sinh từ lúc đến trường và ra về, tránh việc lúng túng khi thực hiện. Ngoài ra, các quận, huyện, xã, phường phải tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng dịch
Phó Chủ tịch thành phố nhấn mạnh trong thời gian tới, thành phố sẽ nới lỏng để các hoạt động trở lại bình thường nhưng phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát, kiểm tra. Vì cậy các quận huyện phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về các biện pháp phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về quy định trong phòng, chống dịch bệnh và xử lý nghiêm các vi phạm.
“Công tác phòng chống dịch bệnh phải thường xuyên, liên tục, không chủ quan lơ là. Việc thực hiện 5k là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất hiện nay để phòng chống COVID-19 trước khi vắcxin được tiêm phòng rộng rãi,” Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội nhắc nhở…
Ngày 28/2 sẽ hết thời gian phong tỏa các điểm cách ly
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay đến thời điểm hiện tại, thành phố đã 11 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+). |
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện chỉ còn 2 địa điểm phong tỏa là khách sạn Somerset (Tây Hồ) và 5 hộ dân ở Thôn Do Hạ, Mê Linh. Tuy vậy, đến ngày 28/2 những điểm này sẽ hết thời gian phong tỏa.
Ông Hạnh nhận định Hà Nội vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là trong thời gian tới khi các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại thì sinh viên các tỉnh sẽ về thành phố học tập, trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch.
Ngoài ra, việc các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh mặc dù đã được cách ly 14 ngày nhưng vẫn có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ đối tượng này như trường hợp ca bệnh 2229.
Vì vậy, đại diện Sở Y tế đề nghị cần giám sát trọng điểm, lẫy mẫu ngẫu nhiên ở một số khu vực có nguy cơ cao như: khu công nghiệp có chuyên gia nước ngoài… để chủ động phòng chống dịch.
“Kiểm soát chặt chẽ các bệnh viện và quan trọng là vẫn phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của ngành Y tế,” ông Hạnh nói.
Để chuẩn bị cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, các quận, huyện cũng đã sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh như: phun khử khuẩn, chuẩn bị sẵn nhiệt kế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, các đơn vị chức năng của quận đã kiểm soát được hơn 700 người từ vùng dịch về, đến nay đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Quận này cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho việc mở lại hoạt động của các di tích và trường học.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép mở lại hoạt động phố đi bộ trên địa bàn, dự kiến vào ngày 12/3.
Tại cuộc họp, lãnh đạo quận Đống Đa thông tin đã vận động, tuyên truyền các chùa, cơ sở thờ tự thực hiện bảo đảm phòng, chống dịch, tổ chức khóa lễ cầu an trực tuyến…
Trong khi đó, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố thông báo phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp hai tháng 3 và 4; tổ chức giám sát việc phòng, chống dịch tại các điểm chi trả cho người dân...