Hà Nội: Các di tích, cơ sở tôn giáo có thể mở cửa trở lại từ ngày 8/3

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như các điều kiện bảo đảm an toàn của các cơ sở di tích, tôn giáo để chủ động quyết định thời gian mở cửa trở lại.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+). Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát với 17 ngày trên địa bàn không ghi nhận ca mắc COVID-19, do vậy lãnh đạo thành phố Hà Nội đồng ý để các quận, huyện, nếu đủ điều kiện có thể mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo trở lại từ ngày 8/3.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do thành phố Hà Nội tổ chức chiều 4/3.

Khuyến khích việc tổ chức nghi lễ tôn giáo trực tuyến

Cụ thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan căn cứ tình hình dịch cũng như sự chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn của các cơ sở di tích, tôn giáo để chủ động quyết định thời gian mở cửa trở lại từ ngày 8/3…

Tuy vậy, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu tuyệt đối không tổ chức hoạt động lễ hội; khuyến khích việc tổ chức nghi lễ tôn giáo dưới hình thức trực tuyến, chia nhỏ quy mô cuộc lễ và thực hiện đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, giãn cách… Riêng với di tích chùa Hương, Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị cần rà soát, có hướng dẫn riêng.

Bên cạnh đó, nhằm chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các đơn vị tiếp tục tăng cường giám sát dịch tại cửa khẩu, các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng; tăng cường khám sàng lọc, xét nghiệm để kịp thời phát hiện ca bệnh.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố lưu ý Sở Y tế tổ chức xét nghiệm cho các nhân viên y tế tại các khoa, phòng có nguy cơ cao; khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm vắcxin theo kế hoạch của Bộ Y tế, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Thủ đô.

Để chuẩn bị các điều kiện an toàn khi sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại, ông Chử Xuân Dũng đề nghị nhà trường phải tổ chức khử khuẩn; yêu cầu khai báo y tế, nắm bắt chắc số lượng học sinh, sinh viên quay trở lại từ các vùng dịch để phục vụ giám sát dịch tễ tại cộng đồng, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và được giám sát, kiểm tra thân nhiệt thường xuyên theo quy định.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho phép các tuyến xe vận tải hành khách, xe vận tải, xe taxi hoạt động trở lại từ ngày 8/3 cũng như đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc mở lại các giải đấu thể thao với quy mô phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch…

“Đề nghị các sở, ngành, địa phương căn cứ vào nội dung tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch thì cần có giải pháp cụ thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép,” Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng lưu ý.

Thực hiện nghiêm thông điệp 5K

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết tại Hà Nội, từ ngày 16/2 đến nay (tức là 17 ngày) không ghi nhận ca mắc mới. Đáng chú ý, toàn bộ 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội đã kết thúc phong tỏa.

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, song theo ông Hạnh nguy cơ đối với thành phố vẫn ở mức cao. Vì vậy, đại diện Sở Y tế đề nghị các đơn vị song song với việc phát triển kinh tế cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố.

Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân biết các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp thực hiện; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K” của Bộ Y tế; hoàn thành việc triển khai ứng dụng QR Code vào ngày 5/3.

Đặc biệt, thành phố lưu ý các địa phương khẩn trương rà soát người về từ 4 địa điểm của tỉnh Hải Dương từ 0h ngày 3/3 đến nay, gồm: Thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Cẩm Giàng và các địa phương có ổ dịch, giám sát chặt chẽ các trường hợp đến từ vùng dịch.

Cùng với đó, các đơn vị cũng được yêu cầu kịp thời có biện pháp phù hợp để ngăn ngừa dịch, trong đó yêu cầu giám sát chặt chẽ tại nhà.

“Các địa phương phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng cũng như tăng cường kiểm tra, xử phạt các cơ sở, tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định trong công tác phòng, chống dịch,” lãnh đạo thành phố Hà Nội lưu ý thêm.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục