Hà Nội ấp ủ những nhà hát nghìn tỷ trên “đất vàng”

Trong nhiều năm qua, Hà Nội ấp ủ xây dựng 3 nhà hát lớn (Hoa Sen, Thăng Long, Opera) với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nằm ở những khu “đất vàng”. Tuy nhiên, đến nay các nhà hát này đều chưa được triển khai hoặc đã bị "khai tử".
Hà Nội thống nhất bỏ kế hoạch xây dựng nhà hát hoa sen. Hà Nội thống nhất bỏ kế hoạch xây dựng nhà hát hoa sen.

Nhà hát lớn nhất Thủ đô

Từ năm 2017, TP Hà Nội dự kiến xây dựng nhà hát Hoa Sen tại Khu Công viên hồ điều hòa CV1 – Khu đô thị mới Cầu Giấy. Đây được cho là nhà hát lớn nhất Thủ đô, được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước.

Theo kế hoạch, nhà hát Hoa Sen nằm tại khu “đất vàng” trong Công viên hồ điều hòa CV1 được khởi công đầu năm 2017, có tổng diện tích gần 32ha, nằm tại khu vực giao cắt giữa đường Dương Đình Nghệ và Phạm Hùng. Trong đó, 19ha là diện tích mặt nước, phần còn lại là công viên cây xanh cùng các tiện ích chức năng công cộng. 

Nhà hát Hoa Sen dự kiến có công suất 2.000 chỗ ngồi, tuy nhiên xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 vừa qua, trong thông báo sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các đại biểu dự họp, tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, lý do dừng là nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư nữa. Ngoài ra, sau khi cân đối nguồn lực và hiện Hà Nội đang có một số nhà hát nên nhà đầu tư quyết định dừng xây dựng nhà hát Hoa Sen.

Long đong nhà hát Thăng Long hơn 2.000 tỷ đồng

Từ năm 2010, vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP cũng dự định động thổ Nhà hát Thăng Long nằm trong trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ), quy mô chiếm đất khoảng 22,263 ha.

Nhà hát Thăng Long bao gồm một khối biểu diễn hòa nhạc cổ điển từ 1200-1500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1800 chỗ. Ngoài ra, có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời.

Thời điểm đó TP Hà Nội khái toán tổng mức đầu tư dự án Nhà hát Thăng Long này hơn 2.398 tỷ đồng, với dự định nguồn vốn đầu tư cả giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đều do ngân sách Nhà nước cấp. Sở Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư nhà hát này.

Hà Nội ấp ủ những nhà hát nghìn tỷ trên “đất vàng” ảnh 1

 Từ năm 2010, Hà Nội đã dự định động thổ nhà hát Thăng Long nhưng đến nay vẫn án binh bất động.

Từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, hơn 8 năm đã qua, nhưng nhà hát Thăng Long vẫn chưa được động thổ. Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, TP đã tạm dừng dự án này. Lý do được ông Động cho biết là do gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

“Chúng tôi là đơn vị quản lý văn hóa, do vậy rất ủng hộ chủ trương xây dựng Nhà hát Thăng Long”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nêu quan điểm.

Năm 2017, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, dự án nhà hát Thăng Long là một trong những dự án chậm triển khai vì ngân sách TP có hạn nên Sở này muốn chuyển hình thức đầu tư.

Thời điểm đầu, nhà hát này được hoạch định tại khu X2 Mễ Trì (Từ Liêm), trên diện tích 2,445 ha mặt đường Phạm Hùng, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội. Sau đó, vị trí xây nhà hát này lại được chuyển về ô quy hoạch có ký hiệu 20 khu vực bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ).

Nhà hát Opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây

Tại cuộc gặp gỡ giới văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô đầu xuân năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà hát Opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây.

Theo ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì từ năm 1954 tới nay, Hà Nội chưa xây được thêm nhà hát nào. 

Hà Nội ấp ủ những nhà hát nghìn tỷ trên “đất vàng” ảnh 2

 Nhà hát Opera của Úc, trở thành biểu tượng du lịch hấp dẫn.

Nhà hát Opera được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Nhà hát này dự kiến dược xây dựng tại phường Quảng An, quận Tây Hồ.

Đến tháng 9/2017, chủ đầu tư nhà hát này cho biết, kiến trúc sư nổi tiếng của Ý được mời để thiết kế nhà hát này.

Chủ đầu tư hi vọng nhà hát này sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa, kiến trúc, một điểm đến văn hóa khi nhắc tới Hà Nội giống như nhà hát con sò của Úc.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục