Theo đó, UBND các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ đúng phạm vi, thời hạn được ủy quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện nhiệm vụ; triển khai lập Đề án đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật;
Đồng thời, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền; khó khăn, vướng mắc, vấn đề đột xuất phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, UBND các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng chịu trách nhiệm trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đơn vị tư vấn) lập Đề án tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thành phố Hà Nội giao Sở Tài chính tham mưu cho UBND Thành phố về việc bố trí vốn lập Đề án và hướng dẫn các huyện về trình tự, thủ tục thanh, quyết toán Đề án từ nguồn chi thường xuyên.
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc UBND các huyện thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền; kịp thời tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập Đề án.
Trong 5 huyện định hướng lên quận, Đông Anh có quy mô lớn nhất với diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000, gồm 23 xã, một thị trấn. Tiếp đến là Gia Lâm gần 115 km2, dân số 280.000, 20 xã và 2 thị trấn.
Hoài Đức có diện tích 82 km2, dân số trên 230.000, gồm 19 xã và một thị trấn. Đan Phượng rộng hơn 77 km2, dân số trên 174.000, gồm 15 xã và một thị trấn. Thanh Trì có diện tích nhỏ nhất trong số 18 huyện, thị xã của Hà Nội, với hơn 63 km2, dân số trên 200.000, gồm 15 xã và một thị trấn.
Qua quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã tăng lên 12 quận như ngày nay (thêm 8 quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân).