Hà Nội: 10 dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2030 - 2050

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng và các tỉnh trong Vùng trong lĩnh vực văn hóa, thương mại, dịch vụ và du lịch.     
Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia - Quốc tế là một trong các dự án trọng điểm được ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia - Quốc tế là một trong các dự án trọng điểm được ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô

Theo đó, các dự án trọng điểm vê văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch theo Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô bao gồm: Trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa Tây Hồ Tây; Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia; Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia - Quốc tế; TOD ga Hà Nội, khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, ga Bắc Hồng và khu vực giao Quốc lộ 2 và quốc lộ 18; Vùng du lịch Tam Đảo - Tây Thiên, Tam Đảo II, hồ Đại Lải, hồ Sáu Vó, hồ Vân Trục; Khu du lịch Đền Hùng, Xuân Sơn tại tỉnh Phú Thọ; Trung tâm thương mại cấp vùng ở thành phố Vĩnh Yên; Trung tâm dịch vụ tiếp vận logistics kết họp công nghiệp Bình Xuyên; Trung tâm logistics tại thành phố Phủ Lý; Trung tâm logistics tại thành phố Việt Trì.

Cụ thể, theo quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ hình thành Trung tâm hội chợ (khu vực phía Bắc sông Hồng); hình thành các trung tâm triển lãm tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cùng với Hà Nội tạo thành một tổ hợp triển lãm cấp quốc gia, quốc tế; khuyến khích hình thành và phát triển các cụm hoặc khu vực hội chợ triển lãm, các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao lưu quốc tế đóng vai trò kết nối nội Vùng và giữa Vùng Thủ đô Hà Nội với các vùng khác.

Hệ thống kết cấu hạ tầng xuất - nhập khẩu sẽ phát triển các khu vực trung chuyển đầu mối, cảng cạn/trung tâm logistics tại các điểm giao thoa của 02 hành lang kinh tế và các tuyến thương mại liên vùng. Hình thành các trung tâm logistics cấp Vùng quy mô từ 100 ha đến 500 ha tại Việt Trì, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam; tại Hà Nội hình thành 3 trung tâm logistics (Bắc Hà Nội, Nam Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài).

Dự kiến, diện tích đất xây dựng các trung tâm thương mại đầu mối đến năm 2030 khoảng 1.750 ha (Hà Nội 400 ha, Vĩnh Phúc 200 ha, Bắc Ninh 200 ha, Hải Dương 200 ha, Hưng Yên 150 ha, Hà Nam 150 ha, Hòa Binh 100 ha, Phú Thọ 100 ha, Thái Nguyên 150 ha, Bắc Giang 100 ha).

Về định hướng phát triển du lịch, Thủ đô Hà Nội là vùng du lịch trung tâm, quan trọng của miền Bắc với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù; két nối với du lịch núi, biển đảo của các vùng lân cận. Vì vậy, việc phát triển các vùng du lịch, khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp Vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (đồi núi, rừng, sông hồ...) và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử.

Tạo lập các vành đai xanh, hành lang xanh và nêm xanh để bảo vệ các vùng di sản, di tích vãn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống, các khu vực cảnh quan sinh thái, các khu vực nhạy cảm về môi trường, khu vực sản xuất nông nghiệp năng suất cao, dự trữ phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chỉnh trị và khai thác các tuyến sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cầu, sông Đáy, sông Đuống..rà soát, điều chỉnh bổ sung chức năng sử dụng đất, tạo điều kiện khai thác hiệu quả quỹ đất và cảnh quan dọc hành lang các tuyến sông để đảm bảo an toàn phòng chống lũ.

Khôi phục, nạo vét, kè bờ hệ thống sông, hồ để táng khả năng tiêu thoát nước, tạo cảnh quan đô thị và phát triến giao thông đường thủy.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị ưu tiên đầu tư các dự án gắn với các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế, vành đai như trục Nhật Tân - Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), vành đai 5...

PV
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục