Hạ lãi suất nhưng cung tiền vẫn bị “bóp nghẹt”

(ĐTCK) PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, khu vực doanh nghiệp đang phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay và chi phí tài chính ngày một lớn do lãi suất cho vay quá cao.
Hạ lãi suất nhưng cung tiền vẫn bị “bóp nghẹt”

TS. Thiên đưa ra dẫn chứng, so với mặt bằng lãi suất (theo năm) cho vay bình quân tại một số nước trong khu vực như Ấn Độ khoảng 10%/năm, Philippines 7,3%, Thái Lan 6,9%, Trung Quốc 6,6%, Singapore 5,4% thì mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam 20 - 22%/năm là quá cao, nghĩa là hơn các đối thủ cạnh tranh từ 2 đến 4 lần.

“Chi phí tài chính cao không những làm suy giảm lợi nhuận mà còn làm giảm khả năng hồi phục của doanh nghiệp. Trong khi đó, cần lưu ý một đặc điểm rất nổi bật của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng dựa nhiều vào vốn; nhiều doanh nghiệp hoạt động theo phương châm “tay không bắt giặc”, kinh doanh dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng. Phương thức hoạt động theo kiểu “đánh mượn sức” này trở nên rất rủi ro khi nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay”, TS. Thiên nhấn mạnh. 

Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hạ trần lãi suất huy động ngày 11/4 được thị trường đánh giá rất tích cực. Nhưng có một thực tế là việc giảm lãi suất này không đáng kể và doanh nghiệp chưa thể dễ dàng tiếp cận vốn với giá rẻ, do hiện các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.

Hạ lãi suất nhưng cung tiền vẫn bị “bóp nghẹt” ảnh 1

Trần lãi suất huy động hiện chỉ còn 12%/năm, những lãi suất cho vay vẫn trên dưới 20%/năm

Trao đổi với ĐTCK, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại lo lắng, trước đây, khi trần lãi suất là 14%/năm, nhiều ngân hàng vẫn phải huy động với lãi suất khoảng 16 - 17%/năm. Tuy nhiên, phần chênh chỉ vào khoảng 2 - 3% còn có thể “biến báo” được. Nay trần lãi suất đã hạ xuống 12%/năm, song nhiều người gửi tiền không chấp nhận mức lãi suất này và vẫn đòi được hưởng như cũ. “Chiều” khách hàng thì khó “hoá” khoản chênh lệch lãi suất nên tới 4 - 5%, nhưng nếu không thì không huy động được vốn, bởi nhiều NHTM khác đang khát vốn sẵn sàng “chào mời” khách hàng với mức lãi suất này.

Lãi suất huy động thực tế vẫn còn cao đến vậy thì doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất cao là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, việc doanh nghiệp không dễ vay ngân hàng với lãi suất thấp còn bởi sau một thời gian dài nền kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng lại phải chịu định mức tín dụng nên chắc chắn sẽ phải lựa chọn cho vay đối với doanh nghiệp có thể tin tưởng.

“Thị trường đang điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm, nhưng không thể kỳ vọng giảm đột ngột 2 - 3%/năm trong vài tuần. Điều này rất nguy hiểm”, ông Hải nói.

Dưới góc độ khác, theo thông tin mà ĐTCK có được, NHNN vẫn đang hút tiền về thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và phát hành tín phiếu, dù đã “bơm” tiền đồng vào hệ thống thông qua việc mua vào ngoại tệ.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào từ 5 - 6 tỷ USD, qua đó, đưa vào hệ thống hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lãi suất trên thị trường mở khoảng 13,14%/năm, cao hơn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (bình quân 11,5%/năm) nên các ngân hàng đã trả tiền vay qua OMO để vay liên ngân hàng số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cùng thời gian, NHNN cũng phát hành khoảng 45.000 tỷ đồng tín phiếu Kho bạc Nhà nước. Tổng số tiền hút về xấp xỉ lượng mà NHNN đã bơm ra khi mua ngoại tệ.

NHNN cũng đã tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng cho một số ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Nhưng đây là số tiền chưa thể chuyển thành nguồn có thể cho vay ra nền kinh tế ngay.

Những hoạt động trên cho thấy, mặc dù hạ lãi suất, song NHNN vẫn đang kiểm soát chặt cung tiền. Cùng với trần tăng trưởng tín dụng vẫn được áp dụng, NHNN đang rất thận trọng, kiên trì để chắc chắn xu hướng lạm phát thực sự ổn định mới bơm tiền.

Do vậy, hệ thống ngân hàng thanh khoản tốt nhưng không có nghĩa là có nhiều tiền để cung cấp cho mọi thành phần kinh tế.

Ngoài ra, theo TS. Trần Đình Thiên, vấn đề hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn vay, cho dù các ngân hàng đã cải thiện khả năng cung ứng vốn và lãi suất có xu hướng hạ xuống một cách chắc chắn, tuy còn chậm. Điều này có nghĩa là, khi khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng bắt đầu được hóa giải thì dòng lưu chuyển vốn tiếp sức cấp cứu cho các doanh nghiệp vẫn bị cản trở. Nguyên nhân chính là ở sự “đình trệ” chứ không chỉ còn do lạm phát. Lâm vào tình trạng đình trệ, các doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm làm ra, dẫn tới chỗ không trả nợ kịp thời cho các ngân hàng. Nợ xấu của doanh nghiệp tăng nhanh khiến ngân hàng càng không thể cho doanh nghiệp vay thêm. Mặt khác, doanh nghiệp không bán được hàng thì cũng không có nhu cầu vay vốn để sản xuất.

“Liệu việc ‘nhồi’ thêm vốn cho một doanh nghiệp ốm yếu có làm doanh nghiệp đó khỏe lên, hay thậm chí ‘giúp’ doanh nghiệp đó ‘ra đi’ nhanh hơn? Điều này lại đồng nghĩa nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng, rủi ro đối với cả nền kinh tế lại lớn”, giám đốc chiến lược một NHTM băn khoăn.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thuộc Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện thanh khoản tại một số ngân hàng tốt nhưng thanh khoản của nền kinh tế không tốt. Tiền đang nằm bất động ở đâu đó. Bên cạnh đó, về mặt lý thuyết, bất kỳ một chính sách nào ra đời đều có độ trễ, nghĩa là cần thời gian để triển khai. Ngoài ra, các ngân hàng công bố những gói tín dụng vài nghìn tỷ đồng thực tế chỉ là hình thức, bởi chẳng ai biết chính xác gói vốn này đã giải ngân được bao nhiêu, cho những doanh nghiệp nào, với mức lãi suất ưu đãi cụ thể bao nhiêu…

“Rõ ràng, doanh nghiệp không nên hy vọng vay được ngay tiền và là tiền rẻ”, TS. Ánh nói.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục