Hạ lãi suất, mới chỉ là động thái “đáng quan tâm”

(ĐTCK) Sau khi lãi suất USD giảm, nhiều nước châu Á bất ngờ giảm lãi suất đồng nội tệ. Tại Việt Nam, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm, giới phân tích cho rằng, đây không phải là động thái nới lỏng tiền tệ vì chưa có dấu hiệu nới lỏng cung tiền.
Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5-1%/năm đôi với các lĩnh vực ưu tiên.

Các ngân hàng trung ương châu Á mạnh tay hạ lãi suất

Ngày 1/8, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trực thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giảm lãi suất cơ bản xuống 2-2,25%/năm, tức giảm 0,25 điểm phần trăm, trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước sự suy giảm toàn cầu. Ngay sau quyết định của Mỹ, tuần vừa qua, ngân hàng trung ương các nước Ấn Ðộ, Thái Lan, Philiipines và New Zealand bất ngờ giảm lãi suất.

Ðơn cử, Ngân hàng Trung ương Ấn Ðộ đã rút lại toàn bộ mức tăng lãi suất của năm 2018, đưa lãi suất điều hành về mức 5,75%/năm, thấp hơn so với giai đoạn trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Thái Lan là trường hợp đáng lưu tâm khi ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản (bps) trong bối cảnh rủi ro lạm phát thấp. Ðiều này được đánh giá có thể là sự khởi đầu cho sự đảo ngược chính sách sau lần tăng lãi suất vào cuối năm 2018.

Hiện nay, khả năng tăng trưởng kinh tế giảm mạnh là rủi ro lớn nhất đang thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Thái Lan cắt giảm lãi suất. Dự báo tăng trưởng GDP Thái Lan được điều chỉnh xuống 3,3%/năm trong giai đoạn 2019-2020, thấp hơn mức 3,7-3,8%/năm trong dự báo trước đó.

Ngân hàng Trung ương New Zealand quyết định cắt giảm tới 50 điểm cơ bản, thay cho mức 25 điểm cơ bản như mọi khi. Ðây đã là lần cắt giảm lãi suất thứ hai của cơ quan này trong 8 tháng đầu năm 2019. Ngân hàng Trung ương Philiipines cũng đã cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm 0,25 điểm phần trăm xuống 4,25%/năm và Ngân hàng Trung ương Malaysia được dự kiến giảm lãi suất trong 3-6 tháng tiếp theo.

“Mức cắt giảm mạnh và đột ngột từ ngân hàng trung ương các nước thực sự gây bất ngờ. Ðộng thái này đến từ triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám do tác động lan truyền từ chiến tranh thương mại”, báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh.

Chu kỳ giảm lãi suất toàn cầu nóng dần, điều gì xảy ra tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, giữa tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 0,25%/năm lãi suất tín phiếu, từ mức 3%/năm về mức 2,75%/năm. Nhiều nhà đầu tư đánh giá đây là động thái nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, về lý thuyết, động thái này có thể phần nào giúp khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay nhiều hơn, giúp tăng cung vốn (do mua tín phiếu không được hưởng lãi cao như trước), nhưng tác động về mặt thực tế sẽ không lớn.

Khác với ngân hàng trung ương các nước phát triển, Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ theo hướng áp trần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2 (cung tiền), còn công cụ điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất khá hạn chế. Lý do bởi cơ chế lan truyền từ lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn đến lãi suất cho vay trên thị trường cũng rất hạn chế.

Chưa kể, thanh khoản hệ thống dù dư thừa (thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp), nhưng không đại diện cho toàn bộ hệ thống. Thanh khoản giữa các ngân hàng hiện vẫn đang phân hóa mạnh, dẫn đến lãi suất huy động sẽ tiếp tục neo ở mức cao.

Với các diễn biến hiện tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, song khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới.

Ðầu tháng 8/2019, thông tin nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank thực hiện giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay ngắn hạn (xuống 5,5%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên được kỳ vọng có thể “tạo sóng ” về chủ trương cắt giảm lãi suất tương tự ở nhóm ngân hàng cổ phần còn lại.

Tiếp đó, VPBank là ngân hàng cổ phần đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ như cầu bổ sung vốn lưu động, khách hàng là các doanh nghiệpvừa và nhỏ sẽ được giảm 1%/năm lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận rằng, đây mới chỉ là động thái “đáng quan tâm”, chứ không đại biểu cho xu hướng giảm lãi suất. Ðể mặt bằng lãi suất giảm thực sự, cần tác động bằng việc nới lỏng cung tiền, giúp chi phí vốn giảm đi.

“Tuy nhiên, điều này chưa diễn ra”, vị lãnh đạo này nói.

Hạ lãi suất: Lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng

Báo cáo của VDSC cho rằng, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhóm đối tượng có khả năng đáp ứng xếp hạng tín nhiệm để được hưởng ưu đãi lãi suất của các ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tiêu chí chấm điểm tín dụng là không nhiều.

Thêm vào đó, bên cạnh gói ưu đãi trên, các ngân hàng còn có những ưu đãi khác về lãi suất dành cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt. Do vậy, lợi ích của các gói ưu đãi tín dụng dành cho các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong các ngành nghề nêu trên là không nhiều.

Dẫu vậy, chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch HÐQT VietinBank cho biết, việc hạ lãi suất tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng các ngân hàng buộc phải cân đối lại mọi hoạt động để chung sức với Ðảng, Chính phủ, Nhà nước thúc đẩy kinh tế phát triển.

“VietinBank với vai trò là một trong những ngân hàng lớn đi đầu trong thực hiện chủ trương lớn của Ðảng, Chính phủ, Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính thuận tiện nhất để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô”, ông Thọ nói.

Trao đổi với phóng viên, phó tổng giám đốc kiêm giám đốc tài chính một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, lãi suất giảm 0,5%/năm, tương đương 0,045%/tháng. Ðể tính toán lợi nhuận ngân hàng giảm bao nhiêu phải dựa trên ước lượng dư nợ được giảm lãi suất và thời gian được giảm là bao lâu.

“Ví dụ, nếu lãi suất giảm 0,5%/năm từ tháng 1/8 đến 31/12/2019, lượng dư nợ ước khoảng 1 tỷ đồng, thì sẽ giảm khoảng 2,08 tỷ đồng lợi nhuận”, vị phó tổng giám đốc nói.

VDSC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn tất quá trình nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng và duy trì thanh khoản dồi dào nhằm hạ chi phí vay ngắn hạn, thay cho việc mạnh tay giảm lãi suất điều hành dài hạn bởi rủi ro tăng giá tài sản vẫn còn.

Tuy nhiên, sang năm tới, câu chuyện có thể sẽ khác khi tăng trưởng GDP của Việt Nam được cho là sẽ chịu tác động mạnh nhất trong giai đoạnh 2020-2021 bởi tác động từ chiến tranh thương mại, đặc biệt sau khi Mỹ áp thuế lên 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục