Tuy số lượng tỷ phú gia nhập hàng ngũ những người giàu có nhất thế giới trong năm 2016 ít hơn khá nhiều so với năm ngoái (ít hơn 92 người), nhưng vẫn có tới 198 đại gia mới xuất hiện trong danh sách của Forbes.
Trong số những gương mặt mới, người sở hữu số tài sản lớn nhất là hai anh em Udo và Harald Tschira, những người thừa hưởng cổ phần khổng lồ của cha mình, ông Klaus Tschira, 1 trong 5 thành viên sáng lập Công ty phần mềm SAP. Ông Klaus Tschira đã qua đời vào tháng 3/2015. Những người thừa kế mới đáng chú ý khác bao gồm Piero Ferrari, con trai của người sáng lập kiêm Phó chủ tịch của hãng xe thể thao Ferrari và William Lauder - người thừa kế thứ năm của Tập đoàn Estée Lauder.
Tất nhiên, không phải tất cả những tỷ phú mới có mặt trong danh sách của Forbes đều là những người thừa kế. Theo đó, có 16% tỷ phú mới xuất hiện trong danh sách là nhờ thừa kế tài sản; 70% là các tỷ phú tự thân lập nghiệp; 14% còn lại được thừa kế và đã tích cực tiếp tục mở rộng khối tài sản của mình.
Đối với các tỷ phú tự thân, cái tên Adam Neumann đang thu hút sự chú ý rất lớn. Adam Neumann, 36 tuổi, là người đồng sáng lập WeWork, một công ty chuyên cung cấp không gian làm việc với giá thấp, vào khoảng 45 USD/tháng.
Ra mắt WeWork vào năm 2010, Adam cùng người đồng sáng lập Miguel McKelvay đã huy động được hơn 900 triệu USD từ các nhà đầu tư như Goldman Sachs, JP Morgan Chase, và Benchmark Capital. Hiện nay, với mạng lưới văn phòng làm việc tại 14 thành phố tại Mỹ, Canada, Israel và đang không ngừng mở rộng tại châu Âu, WeWork được định giá tới 10 tỷ USD. Adam Neumann góp mặt vào danh sách các tỷ phú thế giới của Forbes với khối tài sản cá nhân trị giá 1,5 tỷ USD.
Trong danh sách những tỷ phú thế giới năm 2016, Trung Quốc góp mặt 70 người với tổng trị giá tài sản là 107,4 tỷ USD. Tiếp theo sau là Hoa Kỳ với 33 tỷ phú, tổng giá trị tài sản ở mức 65,4 tỷ USD; và Đức với 28 người, nắm 56,3 tỷ USD. Trong năm nay không xuất hiện tỷ phú mới nào từ châu Phi hoặc Nam Mỹ.
Trong số những tỷ phú Trung Quốc, bà Chu Quần Phi, nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới, với tổng tài sản 5,9 tỷ USD, chính là gương mặt nổi trội nhất. Từ một cô bé mồ côi tại vùng quê nghèo, chấp nhận làm công nhân với mức lương 1 USD/ngày trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu có như ngày hôm nay, câu chuyện của bà Chu Quần Phi đã gây được tiếng vang lớn, dù trước đây tên tuổi của bà ít được giới truyền thông để ý.
Khối tài sản của bà chủ yếu có được nhờ Lens Technology do bà sáng lập. Đây là công ty chuyên sản xuất màn hình cảm ứng máy tính, điện thoại di động và máy ảnh hàng đầu thế giới, thường xuyên ký hợp đồng sản xuất với các công ty công nghệ lớn như Apple và Samsung.
Những tỷ phú trẻ nhất xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới là Alexandra Andresen 19 tuổi và Katharina Andresen 20 tuổi. 2 chị em người Na Uy này được sở hữu 42% cổ phẩn của công ty đầu tư Ferd, một tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Na Uy trong hơn 100 năm qua.
Năm 1849, ông cố của Alexandra đã mua lại nhà máy thuốc lá J.L. Tiedemanns và sau đó đưa nó trở thành công ty sản xuất thuốc lá lớn nhất Na Uy. Năm 2005, công ty này đã được bán lại với giá 500 triệu USD. Sau đó, họ đầu tư vào bất động sản và các ngành kinh doanh khác. Đến năm 2007, cha của Alexandra, ông Johan F.Andresen, đã chuyển số vốn của mình ở Ferd Holding, công ty lớn nhất Na Uy của gia đình cho 2 cô con gái. Điều này đã đưa 2 con gái ông lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes năm nay, khi cả hai đã trên 17 tuổi và phải công khai số thuế nộp.
Bên cạnh đó, Kirill Shamalov, 33 tuổi, người Nga, cũng mới được có mặt tại danh sách năm 2016 này. Shamalov là cổ đông lớn thứ hai trong tập đoàn hóa dầu khổng lồ Sibur. Ba tỷ phú trẻ tuổi này là một phần nhỏ trong số 66 tỷ phú ở độ tuổi dưới 40 trong danh sách năm nay.
Tài sản trung bình của mỗi tỷ phú mới năm 2016 là 1,7 tỷ USD, và tổng giá trị tài sản kết hợp lên tới 344,1 tỷ USD.