Vấn đề khiến bà Hà lăn tăn là trong khi khá nhiều ngân hàng đã loan báo họ được NHNN xếp vào nhóm 1 - 2, nghĩa là các ngân hàng lành mạnh, được tăng trưởng tín dụng ở mức khá trong năm 2012, thì tại ngân hàng bà đang gửi tiết kiệm, các nhân viên đều trả lời rằng chưa nhận được công văn chính thức về việc này. Do vậy, bà Hà khá băn khoăn bởi có những nhận định rằng, ngân hàng nào im lặng hay né tránh câu hỏi về việc phân nhóm tăng trưởng tín dụng thì “đích thị” nằm trong hai nhóm cuối.
“Ngân hàng mà gia đình đang gửi tiết kiệm cứ úp mở như vậy càng khiến tôi quan ngại. Có lẽ đến hạn, tôi sẽ rút tiền ra gửi tại các ngân hàng nhóm 1 - 2 cho yên tâm”, bà Hà nói.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Minh Hương ở quận Cầu Giấy cho rằng, ngân hàng trong nhóm nào đối với chị không quan trọng, bởi lãi suất tiền gửi đều bằng nhau là 14%/năm và quan trọng hơn cả, chị tin rằng, Chính phủ sẽ không để bất kỳ một nào ngân hàng sụp đổ, nên tiền gửi chắc chắn sẽ không bị suy suyển. Do vậy, vấn đề chỉ là thái độ tiếp đón, phục vụ của ngân hàng nào khiến chị hài lòng.
Chị Đoàn Ngọc Lan, ở quận Đống Đa rỉ tai phóng viên, hiện vẫn đang có mấy NHTM “chào” lãi suất huy động cao hơn trần quy định, nên ngân hàng nào đưa ra mức lãi suất cao hơn thì chị sẽ lựa chọn.
Theo báo cáo của NHNN, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến 17/1/2012 giảm 3,29% so với cuối năm 2011. Như vậy, dù tình hình thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng đã khá hơn nhưng căng thẳng thanh khoản cục bộ vẫn nóng tại một số ngân hàng. Điều này có nghĩa là cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục gay gắt.
Về vấn đề mặc cả để nhận lãi suất huy động cao hơn quy định, trả lời phỏng vấn ĐTCK, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, không chỉ ngân hàng vượt trần lãi suất là vi phạm pháp luật, mà cả những người đi gửi tiền tiết kiệm hưởng phần lãi suất cao hơn quy định của NHNN cũng phạm luật và cũng sẽ bị xử lý. “Người dân không nên tiếp tay với những vi phạm này”, ông Bình nói.
Các chuyên gia ngân hàng nhận định, về nguyên tắc, lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Do vậy, người gửi tiết kiệm một là chấp nhận rủi ro, hai là phải tự biến mình thành nhà đầu tư thông minh qua việc lựa chọn ngân hàng, lãi suất phù hợp. Câu chuyện 3 ngân hàng vừa hợp nhất, nhưng người dân vẫn rút được tiền bình thường được các chuyên gia nhìn nhận, chắc chắn sẽ được duy trì cùng với lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Như vậy, người gửi tiền có thể yên tâm với các khoản tiết kiệm của mình dù gửi ở ngân hàng nào. Vấn đề chỉ là lựa chọn đơn vị nào có uy tín, dịch vụ đa dạng và tiện lợi cho công việc của mỗi người để thực hiện các giao dịch.