GTNfoods bị phạt tiền 70 triệu đồng do không công bố đúng thời hạn các tài liệu gồm: Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 30/11/2015 thông qua phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 21/12/2015 thông qua dự án đầu tư giai đoạn 1 vào Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sài Gòn.
Công ty cũng vi phạm công bố nhiều tài liệu khác như: Báo cáo quản trị, báo cáo thường niên năm 2015; báo cáo tài chính quý I, II/2016 và quý I/2017; Điều lệ Công ty năm 2016; Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2016; Nghị quyết Hội đồng quản trị cho thôi việc ông Huỳnh Hoài Bảo; Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 7/4/2016 loại bỏ các ngành nghề kinh doanh không trọng yếu của Công ty và gây ảnh hưởng tới việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty lên 100%; Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 25/12/2016 bổ nhiệm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, thành lập Ban kiểm soát nội bộ và đầu tư thêm vào công ty con…
GTNfoods thành lập năm 2012, vốn điều lệ ban đầu là 80 tỷ đồng. Sau 3 năm tăng vốn lên 680 tỷ đồng, năm 2014, Công ty niêm yết trên HOSE, với mã chứng khoán GTN, gồm 11 cổ đông. Năm 2015, Công ty tăng vốn điều lệ lên 748 tỷ đồng thông qua phát hành 10% cổ phiếu để trả cổ tức.
Hoạt động của GTNfoods thời gian đầu tập trung vào mảng xây dựng nhà, vận tải hàng hóa, khai thác đá sỏi, thu gom than cứng, khai thác quặng kim loại…
Sau thời gian “im hơi lặng tiếng”, năm 2016, GTNfoods bỗng chốc trở thành cái tên đáng chú ý trên thị trường. Công ty thực hiện thâu tóm thành công Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), với tỷ lệ sở hữu 95%, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã chứng khoán VLC), với tỷ lệ sở hữu 65%.
Bên cạnh đó, Công ty sở hữu 35% Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex). Đặc biệt, việc hợp nhất thành công Vilico đầu năm 2017 dẫn đến việc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu trở thành công ty con của GTNfoods.
Cũng trong năm 2016, GTNfoods thực hiện 2 lần phát hành riêng lẻ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng. Công ty có nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như Tael Two Partners Ltd, Penm IV Germany GmbH & Co.KG, Hanil Feed Co., Ltd.
GTNfoods chuyển sang hoạt động theo hình thức tập đoàn. Công ty mẹ đóng vai trò quản lý vốn và điều phối sự phối hợp sản xuất - kinh doanh, phân phối giữa các công ty thành viên.
Tại ngày 31/12/2016, giá trị tổng tài sản hợp nhất toàn Công ty đạt 3.206 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.821 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường là 4.150 tỷ đồng. Công ty hướng tới mục tiêu tham vọng là trở thành doanh nghiệp hàng đầu khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông qua việc tiếp tục mua lại cổ phần, nâng cao tỷ lệ sở hữu chi phối các công ty có thế mạnh, tạo chuỗi giá trị gia tăng trong ngành.
Nhờ vào những cuộc thâu tóm thầm lặng, GTNfoods cũng chuyển hướng tái cấu trúc, sắp xếp lại các mảng kinh doanh, tập trung vào mảng sản xuất - kinh doanh sữa, chè, chăn nuôi.
Năm 2016 được coi là năm chuyển đổi mạnh mẽ của GTNfoods, song kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng. Báo cáo tài chính thể hiện, năm 2016, doanh thu thuần bán hàng là 1.820 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 15,5 tỷ đồng (năm 2015 là 63 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế là 16,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, kết quả không đạt chỉ tiêu đề ra xuất phát từ chi phí gia tăng, xử lý hàng tồn kho, cắt giảm nguồn lực và đầu tư tại các hoạt động sản xuất - kinh doanh không trọng tâm. Việc hoàn thành M&A công ty con Vilico diễn ra muộn hơn dự kiến.
Mới đây, GTNfoods công bố, 9 tháng đầu năm đạt 134,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 17 lần cùng kỳ năm ngoái, nhờ “quả ngọt” nhận về từ các công ty con sau M&A và tái cấu trúc các công ty thành viên.
Mặc dù vậy, với hàng loạt vi phạm công bố thông tin nêu trên, trong đó có những nghĩa vụ rất cơ bản của doanh nghiệp niêm yết, không ít nhà đầu tư quan ngại, GTNfoods có dấu hiệu kém minh bạch. Từ thời điểm Công ty bị xử phạt đến nay, thị trường chứng khoán tăng điểm, nhưng giá và thanh khoản của cổ phiếu GTN giảm.