Ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT GTN cho biết, việc đưa cổ phiếu GTN lên niêm yết nằm trong lộ trình của Công ty trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh.
Thưa ông, vì sao Thống Nhất (GTN) lại quyết định chọn thời điểm này để chào sàn?
Đối với Thống Nhất, việc lên sàn chứng khoán, phổ cập hình ảnh, thương hiệu đến với nhà đầu tư, cộng đồng là một trong những việc được ưu tiên ngay khi thời điểm chín muồi, vì niêm yết sẽ giúp Thống Nhất được rất nhiều.
Chiến lược của Thống Nhất là trở thành một tập đoàn mạnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh. Do vậy, việc minh bạch hóa, chuẩn hóa hoạt động thông qua niêm yết là một trong những tiền đề quan trọng.
Đồng thời, định hướng mô hình của Thống Nhất là doanh nghiệp xã hội với những lĩnh vực hoạt động chính có tính xã hội hóa cao (như tre công nghiệp, nông nghiệp), hướng đến giúp người nông dân, đặc biệt là người dân nghèo các vùng sâu vùng xa. Do vậy, việc nâng cao hình ảnh là điều rất quan trọng, giúp người dân và cộng đồng nhận thức được tính chất xã hội hóa này và cùng chung tay giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững ở Việt Nam.
GTN đang tập trung phát triển mạnh nhất hai mảng sản xuất là tre công nghiệp và nông sản thông qua 2 công ty con. Trong dài hạn, đây sẽ là lĩnh vực sản xuất chính của Công ty? Ông đánh giá tiềm năng của lĩnh vực này như thế nào?
Đúng vậy, tre công nghiệp và phát triển chuỗi nông sản là hai định hướng chính của Công ty trong dài hạn. Đây là hai lĩnh vực rất tiềm năng. Tre công nghiệp là lĩnh vực mới trên thế giới cũng như Việt Nam.
Hiện nay, sản phẩm từ tre công nghiệp như nội thất, cốp pha, tấm lót đường… đang được ngày càng ưa chuộng trên thế giới do có khả năng thay thế gỗ và tính năng sử dụng có phần tốt hơn. Hơn nữa, đây là lĩnh vực được quốc tế khuyến khích vì được đánh giá là lĩnh vực xanh, bảo vệ môi trường, vì cây tre có vòng đời sinh trưởng ngắn và trồng đơn giản, không cần chăm sóc nhiều, phù hợp với dân nghèo.
Nhu cầu đối với các sản phẩm từ tre công nghiệp đang tăng nhanh và hiện Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lớn này.
Nông nghiệp luôn được coi là lĩnh vực có nhiều tiềm năng ở Việt Nam, có tính chất lan tỏa mạnh hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển và không có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Có nhiều nguyên nhân.
Một trong những nguyên nhân căn bản là thị trường nông sản Việt Nam bị chi phối bởi các đầu lậu (trong và ngoài nước), ép giá nông dân, vốn sản xuất nhỏ và ít vốn…, gây ra tình trạng được mùa thì mất giá.
Thống Nhất mong muốn giải quyết vấn đề này, giúp nông dân phát triển bền vững thông qua đầu tư vào hệ thống đầu vào sản xuất (vật tư, phân bón…), hệ thống bảo quản (kho bãi) và bao tiêu đầu ra cho nông dân trong một số mặt hàng cây công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Thống Nhất cũng đang thực hiện chiến lược tương tự với lĩnh vực than hoạt tính và năng lượng sinh khối. Đây cũng là lĩnh vực các nhà sản xuất nhỏ của Việt Nam hiện bị thiệt thòi lớn do đầu lậu ép giá.
Ông có thể chia sẻ định hướng phát triển của Công ty, cũng như kế hoạch huy động vốn sau khi lên sàn?
Định hướng của Thống Nhất trong thời gian tới là tiếp tục tái cấu trúc, hợp nhất những doanh nghiệp quan trọng, những mắt xích còn thiếu trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, tre công nghiệp và năng lượng sinh khối. Các doanh nghiệp không nằm trong chiến lược dài hạn dần sẽ được tách ra khỏi Tập đoàn.
Giai đoạn sắp tới là giai đoạn phát triển mạnh của Công ty với các lĩnh vực trọng điểm là tre công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, chúng tôi dự kiến sẽ cần nhiều vốn để thực hiện kế hoạch này. Đến nay, Thống Nhất hoàn toàn hoạt động bằng vốn tự có. Thời gian tới, Công ty dự kiến thực hiện huy động vốn thông qua nhiều kênh như phát hành trái phiếu, cổ phiếu trong nước và quốc tế…
Được biết, GTN vừa chuyển nhượng phần vốn góp của Thong Nhat Corp tại Công ty TNHH Thống Nhất. Công ty được lợi gì từ thương vụ này?
Như đã trao đổi ở trên, khoáng sản không phải là lĩnh vực nằm trong chiến lược của Thống Nhất, do vậy Công ty sẽ dần thoái vốn ở các lĩnh vực này và nhập vào các công ty nằm trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, các mỏ khoáng sản mà Công ty đã đầu tư đều có giá trị cao và tiềm năng lớn, nhiều đối tác quan tâm. Việc thoái vốn các lĩnh vực này không khó và có thể đem lại lợi nhuận tốt cho Công ty.