GTN hấp dẫn khối ngoại từ chiến lược mới

(ĐTCK) Chỉ trong vòng vài tháng, cổ phiếu GTN của CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất đã thu hút hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài, với trên 30% vốn điều lệ được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua thông qua phát hành riêng lẻ, chưa kể lượng cổ phần được mua khớp lệnh trên sàn. Điều gì tạo nên sức hấp dẫn này?
GTN hấp dẫn khối ngoại từ chiến lược mới

Điểm đến mới của NĐT ngoại

Tháng 1/2016, GTN công bố ký kết hợp đồng đối tác chiến lược với Tael Two Partners Ltd, phát hành cho đối tác này 30 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ trên tổng số 48 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trên sàn, khối ngoại mua gom vào hơn 7 triệu cổ phần GTN. Như vậy, sau hoàn tất tăng vốn, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu hơn 55 triệu cổ phiếu GTN, tương đương gần 37% vốn điều lệ Công ty.

Động thái tham gia sở hữu lớn GTN, nhất là việc tham gia với vai trò cổ đông chiến lược, ở mức giá cao hơn thị giá tại thời điểm đàm phán cho thấy cam kết lâu dài của cổ đông ngoại với GTN.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị GTN cho hay, chỉ trong vài tháng qua, lượng nhà đầu tư nước ngoài tìm đến GTN để trao đổi thông tin và tìm hiểu cơ hội hợp tác đã tăng lên rất mạnh.

“Nếu đầu năm 2015, chúng tôi phải thuyết phục NĐT lắng nghe kế hoạch của mình, thì gần đây, đôi khi chúng tôi không thể thu xếp được lịch trao đổi với NĐT mới. Các tổ chức lớn đòi hỏi khá cao trong yêu cầu cung cấp thông tin cả về tài sản hiện có, các bước sẽ triển khai, nên đòi hỏi tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, sau khi làm việc, chúng tôi nhận được đánh giá rất cao từ họ”, ông Thiện nói. 

Điều gì tạo nên sức hấp dẫn GTN?

Chưa có báo cáo tài chính cả năm 2015, nhưng kết quả kinh doanh của GTN những năm qua không phải là lý do GTN thu hút được sự quan tâm của khối ngoại. Sức hút GTN đến từ chính kế hoạch kinh doanh mà Công ty đang theo đuổi và kết quả triển khai kế hoạch ấy đến thời điểm này. Như báo cáo phân tích cổ phiếu GTN của CTCK TP. HCM (HSC), những thay đổi về mặt chiến lược trong kinh doanh của GTN đang “dẫn đến tiềm năng tăng trưởng đáng kể, sẽ làm thay đổi cục diện kết quả hợp nhất của Công ty trong vài năm tới”.

Cụ thể, GTN chủ trương thoái vốn ra khỏi các công ty con hiện tại có hoạt động không thuộc nhóm ngành chiến lược, đồng thời thực hiện đầu tư vào các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Theo đó, GTN tập trung thực hiện M&A các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thực phẩm, đồ uống đáp ứng các tiêu chí về thời gian hoạt động lâu năm, từng nắm vị trí số 1 trong ngành với các thương hiệu nổi tiếng, có cơ sở vật chất phục vụ sản xuất tốt nhưng chưa phát huy được hết lợi thế do yếu tố quản trị, hạn chế về nguồn lực tài chính, chính sách marketing chưa phù hợp…

Quỹ đất lớn là một trong những tiêu chí rất quan trọng để GTN lựa chọn doanh nghiệp M&A, với mục tiêu tiết kiệm thời gian, chi phí phát triển quỹ đất phục vụ xây dựng hạ tầng nông nghiệp. Ngoài các yếu tố trên, các vấn đề liên quan đến đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có quan hệ tốt với cơ quan quản lý ngành trực tiếp hay các cơ sở cũng được Công ty ưu tiên xem xét lựa chọn.

GTN hấp dẫn khối ngoại từ chiến lược mới ảnh 1

Vinatea là Tổng công ty đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp mà GTN hoàn tất thâu tóm 

Với chiến lược này, cùng với việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước thời gian qua, GTN đã sở hữu 75% vốn điều lệ Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP; hơn 12% vốn điều lệ Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico) và lên kế hoạch mua chi phối tổng công ty này; 35% vốn điều lệ CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (với thương hiệu nổi tiếng Vang Đà Lạt). Gần nhất, Hội đồng quản trị Công ty đã thống nhất chủ trương đầu tư giai đoạn 1 với mức mua dự kiến 4,1 triệu cổ phần, tương đương 35,04% vốn điều lệ Công ty TNHH Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex)…

Ông Thiện cho hay, trong thời gian tới, GTN sẽ tiếp tục thực hiện mở rộng đầu tư lớn vào các doanh nghiệp nhóm này, với tiêu chí nhất quán là: đứng đầu thương hiệu ngành, có thế mạnh về tài sản, con người… Với Vinatea, Vang Đà Lạt, Vilico và tới đây là Forimex, GTN đã xây dựng được hình ảnh hoàn toàn khác trong mắt nhà đầu tư ngoại.

Vinatea sở hữu tới hơn 3.544 héc-ta đất nguyên liệu chè. Với diện tích đất nông trường này, nếu phát triển mới từ đầu, doanh nghiệp phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, để một doanh nghiệp đi vào hoạt động, đất là không đủ. Các yếu tố khác từ nguồn nhân lực, cây giống, hệ thống nhà máy, quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu… cũng sẽ tốn lượng lớn tiền và thời gian có thể tới hàng chục năm. Thế nhưng, thực tế, số tiền GTN bỏ ra để sở hữu 75% của Vinatea chỉ khoảng 300 tỷ đồng.

Ngoài chiến lược rõ ràng trong M&A, một điểm khiến GTN được nhà đầu tư đánh giá cao chính là chiến lược bài bản  trong tái cấu trúc, từ tìm kiếm nguồn nhân sự chất lượng cao, xây dựng lại quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt hơn với giá thành phù hợp hơn, đến chiến lược định vị lại thương hiệu và xây dựng hệ thống phân phối. GTN kỳ vọng giảm được tới 40% chi phí cho việc bán hàng và tăng biên lợi nhuận nhờ định vị sản phẩm, tiết kiệm chi phí phân phối, marketing.

Bên cạnh những nhân sự đã gắn bó với GTN từ ngày đầu cũng là những người chuyên về sản xuất, marketing, chiến lược hút nhân sự của GTN cũng được đánh giá cao.

Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Tổng giám đốc mới của GTN là nhân sự có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing. Được đào tạo bài bản chuyên ngành Marketing - Đại học Texas, Austin (Mỹ), ông Quang không chỉ từng nắm nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp có tiếng như: Giám đốc kinh doanh Triumph Việt Nam, Giám đốc Marketing thương hiệu Johnny Walker và Hennessy tại Việt Nam… mà còn có kinh nghiệm tư vấn xây dựng, phát triển các thương hiệu hàng đầu Việt Nam như: Dệt Thái Tuấn, Cafe Trung Nguyên, Cafe hoà tan G7, Bia Saigon Special, Vinamilk, Bia Bến Thành, Laser, nước tăng lực N1, tã giấy Bino, sữa Elovi, Miss Saigon... là thành viên sáng lập của “Thương hiệu nông sản Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”…

Gần nhất, nguyên Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn PAN (PAN) về làm Phó Chủ tịch GTN. Ông Thiện cho hay, trong thời gian tới, GTN sẽ có thêm 1 Phó tổng giám đốc phụ trách mảng nông nghiệp là người kinh nghiệm, chuyên môn cao , có mối quan hệ tốt với hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Vẫn còn cần thêm thời gian để biến Vinatea từ một doanh nghiệp nhà nước sở hữu khối tài sản lớn nhưng kinh doanh kém hiệu quả trở thành một doanh nghiệp sinh lời lớn, tuy nhiên chiến lược phát triển hệ thống, cùng với thành công khi bắt tay với cổ đông lớn khác để tái cấu trúc mạnh mẽ Vang Đà Lạt và chiến lược xây dựng Vinatea mà Công ty đã hoạch định, đủ tạo nên một sự thuyết phục lớn cho cổ đông, giúp họ yên tâm bỏ tiền và cam kết gắn bó lâu dài với Công ty.

“Một khi quá trình sáp nhập diễn ra nhanh hơn dự kiến và GTN thực sự có thể thay đổi các doanh nghiệp mà họ đã mua lại, cổ phiếu của Công ty sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều”, HSC dự báo như vậy. Và có lẽ, đó là lý do tạo nên sức hấp dẫn của GTN trong mắt NĐT ngoại.

GTN tham vọng trở thành một Nestlé, Unilever và CP của Việt Nam, và nhà đầu tư ngoại tin vào điều đó!

Tú Uyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục