Trong vài tháng gần đây, người dân liên tục phải đối phó và chịu thiệt hại vì những biến động thất thường của thị trường tiền tệ. Giá USD đột ngột giảm mạnh rồi bất ngờ tăng lại. Thị trường đang thừa ngoại tệ rồi tự nhiên lại khan hiếm. Lãi suất đang ổn định thì đùng một cái nhảy vọt lên 12-13%/năm, dẫn đến nạn "tiền chạy". Những biến động này đã ảnh hưởng lớn đến người dân.
Phải chăng đó là giá phải trả khi kiềm chế lạm phát?
Khi áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát, tất nhiên sẽ có những khó khăn cho một số đối tượng. Thế nhưng, những biến động trên lại có nguyên nhân do Ngân hàng (NH) Nhà nước đưa ra những tín hiệu không rõ ràng. Tỉ giá giảm mạnh rồi lại tăng vọt sau khi NH Nhà nước phát đi tín hiệu sẽ nâng tỉ giá VND/USD. Người dân đang giữ USD đã đổ ra bán tháo. Người xuất khẩu thì năn nỉ cũng không bán được USD và bị thiệt hại nặng. Thật sự không phải vậy, chúng ta đã và đang nhập siêu liên tục hơn mười năm nay thì làm gì thừa USD.
Cuộc chạy đua lãi suất giữa các NH đã bùng lên sau khi lãi suất trên thị trường liên NH được NH Nhà nước đưa lên mức chưa từng có trong lịch sử, trên 30%/năm. Để dập tắt cuộc chạy đua này, NH Nhà nước đã phải vất vả dùng trần lãi suất huy động, một giải pháp không được hoan nghênh.
Chỉ có một số ít NH gặp khó khăn và nếu giải quyết gọn với những trường hợp này thì thị trường sẽ không rối rắm như hiện nay. Đúng là NH Nhà nước có can thiệp, có bơm tiền ra nhưng lại không đến được tay những NH cần tiền. NH Nhà nước đòi họ phải có trái phiếu mới cho vay nhưng họ không có.
Đúng ra NH Nhà nước phải hiểu NH thiếu vốn có gì để thế chấp, để cầm cố. Họ chỉ có cái xe nhưng anh yêu cầu phải có cái nhà mới cho vay thì làm sao gặp nhau được. Anh vẫn có thể cầm cái xe và cho vay với những điều chặt chẽ hơn. Không chiết khấu thì tái thế chấp. Đâu phải thị trường mở không cho phép làm việc này. Phải linh hoạt thế thì tiền mới đến được những NH cần vốn. Chỉ có điều là vất vả hơn cho NH Nhà nước.
Vậy theo ông, lúc này để thị trường ổn định nên xử lý vấn đề theo hướng nào?
Chúng ta kiềm chế lạm phát, điều đó không có nghĩa là cứ mạnh tay thắt chặt hay hạn chế. Làm thế, trước mắt có thể ổn định kinh tế vĩ mô nhưng lại bất ổn ở vi mô khi người dân phải đối phó với quá nhiều khó khăn. Phải kiên quyết nhưng linh hoạt, làm theo tín hiệu của thị trường.
Thị trường thừa USD, chúng ta mạnh dạn đưa VND ra mua vào. Trả tự do lãi suất lại cho thị trường, sử dụng các công cụ tỉ giá, lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ có lợi cho kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Việc khống chế tăng trưởng tín dụng cũng phải linh hoạt. Tăng trưởng tín dụng 30% là cho nền kinh tế chứ không thể cho từng NH. Cào bằng như hiện nay thì nhiều NH chỉ có thu nợ, người dân kêu không vay được tiền của NH là vì thế.
Người dân chính là đối tượng bị tác động bởi những thay đổi chính sách tiền tệ của NH Nhà nước, do vậy họ cần được thông tin rõ ràng, nhất quán để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp. Khi thông tin không rõ ràng, chưa được giải thích đến nơi đến chốn thì người dân sẽ tự tìm hiểu và hành động theo những gì mà họ nghe và biết được.
Không thể để đình đốn kéo dài
Việc thắt chặt tiền tệ đã kéo thị trường chứng khoán và bất động sản đi xuống. Gần đây doanh nghiệp, nhất là nhà xuất khẩu, kêu khó... Nếu kéo dài tình trạng này thì không ổn.
Điều quan trọng nhất là xác định đúng thời điểm để thay đổi chính sách. Đầu thập niên 1990, Nhật đã áp dụng chính sách tiền tệ hà khắc như tăng lãi suất, tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, giám sát gắt gao thị trường bất động sản... Kết quả là lạm phát dịu lại ngay. Tuy nhiên sai lầm của NH Trung ương Nhật là đã duy trì chính sách này quá lâu, hậu quả là mười năm sau đó họ rơi vào tình trạng giảm phát. Cả nền kinh tế Nhật đã khó khăn vì chính sách cực đoan này.