Trong 2 ngày qua, sự chú ý của dư luận và các đại biểu đều tập trung vào tình hình nợ công, đặc biệt là sau khi báo cáo của Chính phủ cho thấy, nợ công đến 31/12/2015 ước đạt 64% GDP, xấp xỉ mức trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2%, nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại, thì khoảng 26,2%, vượt mức quy định tại Chiến lược nợ công.
Cỗ xe nợ công đã nặng còn tăng tốc
GS-TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM cho biết, trong số 1,6 triệu tỷ đồng doanh nghiệp nhà nước vay nợ, Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước nước vay trong nước là 35.000 tỷ đồng, bảo lãnh cho vay nước ngoài là 173.000 tỷ đồng. Số này đã tính trong nợ công 2013.
“Nợ công đang ở mức rất là cao, dù nằm dưới mức pháp định là 65% GDP. Tôi gọi đó là mức pháp định và không cho rằng đó là mức an toàn, đó chỉ là mức pháp định. Giống như xe cộ lưu thông, tốc độ quy định không vượt quá 65, nhưng có xe chạy dưới tốc độ đó đã gây tai nạn”, đại biểu Ngân nói và đánh giá, Nhật Bản nợ công là 227% GDP, Singapore là 105%, Mỹ là 101%, nhưng có những nước như Argentina nợ công chỉ có 45% nhưng lại vỡ nợ.
Cũng theo đại biểu Ngân, cơ sở đánh giá an toàn hay không không phải là tỷ lệ nợ công, mà là các yếu tố khác. Có 3 yếu tố căn bản.
Thứ nhất là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách hàng năm. Năm 2013, nghĩa vụ trả nợ là 183.000 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng thu. Năm 2014, nghĩa vụ trả nợ là 208.000 tỷ đồng, chiếm 26,69%. Đây là mức báo động. Năm 2015, lên đến trên 282.000 tỷ đồng, chiếm 31%. Đây là mức không an toàn.
Thứ hai là đảo nợ, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2014, đảo nợ 70.000 tỷ đồng, năm 2015, con số này lên tới 130.000 tỷ đồng.
Thứ ba là một số khoản mà chúng ta chưa đưa vào nợ công.
Đây là 3 dấu hiệu cho thấy, dù chúng ta đã chạy đúng theo tốc độ quy định của luật pháp, nhưng vẫn nguy hiểm.
"Xe đã có biểu hiện xì khói, chở nặng, phanh mòn", đại biểu Trần Hoàng Ngân ví von.
Thêm vào đó, khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nợ công là 1,1 triệu tỷ đồng, nhưng đến 2014, nợ công là 2,39 triệu tỷ đồng. Dự kiến 2015 là 2,8 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng 20%/năm. Như vậy, cỗ xe đã nặng lại còn chạy với tốc độ cao.
Nợ công tăng nhanh vì trái phiếu và bội chi
Vì sao nợ công tăng như vậy? Đại biểu Ngân đặt câu hỏi và đưa ra câu lời, do 2 khoản là bội chi và trái phiếu. Hai khoản này Chính phủ đều phải trình Quốc hội.
Bội chi đầu nhiệm kỳ đề ra mục tiêu bội chi về dưới 4,5% vào 2015. Năm 2011, bội chi 4,4%, nhưng đến 2012 bội chi là 5,4%, năm 2013 là 5,5%, năm 2014 là 5,3% và dự kiến 2015 là 5%.
Về trái phiếu, hiện nay đang để ngoài ngân sách. Với Luật Ngân sách đang sửa đổi, khoản này sẽ được tính vào ngân sách, nhưng hàng năm, ta vẫn đang duyệt tăng thêm trái phiếu để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển.
Đó là số liệu cho thấy bức tranh tổng quan về nợ công.
Tăng thu FDI, doanh nghiệp nhà nước và giảm chi hành chính
Về vấn đề làm sao giảm dần bội chi ngân sách. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nhìn vào cân đối nguồn thu và nguồn chi, bên nguồn thu chỉ có 3 loại thu là thu nội địa, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu. Thu dầu thô không tăng được nữa, thậm chí đe dọa giảm. Thu xuất nhập khẩu thì do các hiệp định tự do thương mại, khoản thu không tăng nổi.
Chỉ có thu nội địa với 3 khu vực là doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI. Chỉ còn khu vực doanh nghiệp nhà nước có thể thu tốt. Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của khu vực này chưa tương xứng với đóng góp. Điều này đòi hỏi luật hóa các quy định quản lý vốn ở doanh nghiệp Nhà nước mà cụ thể là Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
"Khối FDI, như chúng ta thấy, doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, nhưng nguồn thu không tương xứng. Do đó, khu vực này cũng còn dư địa", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói và cho biết thêm:
"Về chi ngân sách, có 3 nguồn chi gồm chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển. Chi thường xuyên, trước năm 2011, chỉ chiếm 50 - 55% tổng thu. Đến 2014 đã lên đến 65 - 75%, là gánh nặng rất lớn với ngân sách"
Đai biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, vẫn phải ưu tiên chi lương, nhưng phải giảm được chi hành chính khác mới không làm tăng gánh nặng ngân sách. Tổng chi thường xuyên 1 triệu tỷ đồng đó làm sao sắp xếp khoa học.
Trong khi chi thường xuyên tăng mạnh, thì chi cho đầu tư phát triển lại giảm dần và không hiệu quả. Để quản lý tốt cần phải cụ thể hóa Luật Đầu tư công. Luật này có hiệu lực từ 1/1/2015 và từ nay đến đó, phải nhanh chóng đẩy mạnh ban hành các Nghị định, các văn bản hướng dẫn.