
> Giảm vốn điều lệ: thiệt-lợi của chủ nợ, cổ đông
> Luật nào cho SBS giảm vốn điều lệ?
> Gộp cổ phiếu để giảm vốn điều lệ: Bất ổn với các khoản nợ lớn
Trong câu chuyện gộp cổ phiếu giảm vốn điều lệ để xóa khoản lỗ luỹ kế trên 1.700 tỷ đồng của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), ngoài vấn đề cơ sở pháp lý nào để đảm bảo tính khả thi của phương án, thì cổ phiếu SBS sau khi gộp sẽ được hạch toán như thế nào đang được thị trường đặc biệt quan tâm, vì đây là một nghiệp vụ chưa có tiền lệ.
Chưa có hướng dẫn chi tiết
Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn chi tiết nào về việc hạch toán nghiệp vụ giảm vốn điều lệ để xóa lỗ. Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính về Ban hành chế độ kế toán DN là văn bản duy nhất đến thời điểm này có nhắc đến việc hạch toán nghiệp vụ này. Theo đó, nội dung hướng dẫn hạch toán Tài khoản 411 - Nguồn vốn kinh doanh như sau: “CTCP có thể hạch toán giảm nguồn vốn kinh doanh bao gồm vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần để bù lỗ kinh doanh theo quyết định của ĐHCĐ”. Như vậy, Quyết định 15/2006/QĐ-BTC đã tạo tiền đề cho việc hạch toán giảm vốn điều lệ để bù lỗ kinh doanh cho DN nói chung và CTCK nói riêng, nhưng lại không có hướng dẫn chi tiết bút toán này.
Việc tách, gộp được xử lý theo nguyên tắc tổng giá trị vốn hóa tại một thời điểm là không đổi
Kiểm toán viên tại một công ty kiểm toán lớn nhận xét, về cơ bản, các nghiệp vụ hạch toán kế toán không phải là phức tạp, miễn là nghiệp vụ ấy đảm bảo không làm sai lệch bản chất tài sản, nguồn vốn của DN. Ở nước ngoài, thông thường, hệ thống hướng dẫn về hạch toán kế toán một là Chế độ hạch toán kế toán, hai là Chuẩn mực hạch toán kế toán. Tức là, hoặc hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ phát sinh thì hạch toán như thế nào, hoặc đưa ra các nguyên tắc tổng quát nhất (chuẩn mực), để từ đó DN và công ty kiểm toán tự cân nhắc các bút toán trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc ấy. Những trường hợp phát sinh chưa có tiền lệ sẽ được đưa ra hội đồng để xem xét.
Còn ở Việt Nam có cả Chế độ hạch toán kế toán và Chuẩn mực hạch toán kế toán, nên công ty kiểm toán và DN cũng thấy “ngại” khi có những nghiệp vụ mới phát sinh, dù không vi phạm chuẩn mực kế toán, nhưng lại không được hướng dẫn tại Chuẩn mực.
Đối với trường hợp giảm vốn điều lệ để xóa vốn, vị này cho rằng, trong trường hợp không gây ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn vốn cấp 1 (vốn góp theo vốn điều lệ) thực còn trong tổng nguồn vốn, thì các bút toán phản ánh nghiệp vụ này đều khá đơn giản. Ví dụ, DN có vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, lỗ 50 tỷ đồng thì có thể hạch toán giảm trên Tài khoản 411 (vốn góp của cổ đông - tương ứng với vốn điều lệ) 50 tỷ đồng, ghi tăng Tài khoản 420 (quỹ lợi nhuận chưa phân phối) 50 tỷ đồng. Sau bút toán này, DN sẽ có 50 tỷ đồng tại tài khoản vốn góp của cổ đông (vốn điều lệ), còn quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm còn 0 tỷ đồng.
Gộp cổ phiếu, gộp thị giá
Vấn đề được quan tâm tiếp theo là việc gộp cổ phiếu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá cổ phiếu trên thị trường, bởi SBS là DN đang niêm yết? Ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM - nơi cổ phiếu SBS niêm yết cho hay, về mặt kỹ thuật, việc chia, tách, gộp hay phát hành mới cổ phiếu được xử lý theo nguyên tắc tổng giá trị vốn hóa tại một thời điểm là không đổi. Nếu việc chia cổ phiếu làm giảm thị giá theo tỷ lệ chia tách, thì ngược lại, gộp cổ phiếu cũng làm tăng thị giá tương ứng theo tỷ lệ gộp. Theo đó, nếu cổ phiếu SBS có thị giá 3.000 đồng/CP vào ngày gộp cổ phiếu, thì việc gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 3,8 cổ phiếu cũ lấy 1 cổ phiếu mới sẽ khiến giá tham chiếu cổ phiếu SBS sau khi gộp tăng lên mức 11.400 đồng/CP. Ông Trà cho rằng, vấn đề quan trọng là liệu SBS có vượt qua được các rào cản pháp lý khác để tiến hành gộp cổ phiếu hay không mà thôi.