
Tiếp theo đó, Google cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2010. Cụ thể, trong quý IV/2010, lợi nhuận của Google đạt 2,54 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 1,97 tỷ USD của quý IV/2009, trong khi doanh thu cũng tăng 26% lên tới 8,44 tỷ USD.
Thực ra, Larry Page không phải là lên chức, mà là trở lại cương vị CEO sau 10 năm thử thách. Anh đã từng là CEO của Google từ năm 1998 đến năm 2001. Ngày 7/9/1998, Larry Page (quốc tịch Mỹ) và Sergey Brin (quốc tịch Mỹ gốc Nga), đều là cựu sinh viên Đại học Stanford đã thành lập ra Công ty tư nhân Google. Chưa thuê được trụ sở, 2 ông chủ trẻ đã tận dụng luôn phòng ở trong ký túc xá làm trụ sở Công ty. Ngay từ đầu, Larry Page đã được chọn là thủ lĩnh, CEO của Google. Nhìn thấy tiềm năng phát triển, nên các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đầu tư mạnh vào Google. Năm 2001, họ nhận ra rằng, quy mô của Google đã lớn, hơn nữa họ chưa thật sự tin tưởng vào năng lực lãnh đạo, điều hành của Larry Page, vì tuổi đời còn quá trẻ. Thế là họ đã chọn ông Eric Schmidt, tuổi đời cao hơn, kinh nghiệm, chững chạc hơn nhiều vào ghế CEO. Và họ chọn không lầm.
Ông Eric Schmidt là kỹ sư điện tốt nghiệp Đại học Princeton, lại có bằng thạc sỹ, tiến sỹ về máy tính của Đại học California – Berkeley, toàn là những trường đại học nổi tiếng ở Mỹ. Hơn nữa, ông cũng đã từng phụ trách mảng công nghệ của Tập đoàn Sun Microsystems và là CEO Công ty Novell.
Vào tháng 8/2001, khi ông Eric Schmidt lên nắm quyền CEO Google, Google còn thua xa cả Sun Microsystems lẫn Novell. Google khi đó mới có hơn 300 nhân viên, với doanh thu hàng năm cỡ 100 triệu USD. Còn giờ đây, với trụ sở chính tại Mountain View, bang California (Mỹ), Google đã là một tập đoàn lớn, với gần 24.000 nhân viên trên toàn cầu, với doanh thu hàng năm trên 20 tỷ USD. Hơn nữa, giá trị vốn hoá thị trường của Google hiện là hơn 200 tỷ USD và nhờ vậy, cả 3 người đều là tỷ phú có hạng. Hiện tại trong két của Google có tới 35 tỷ USD tiền mặt. Quá rủng rỉnh!
Tất nhiên, việc thay CEO Google được báo giới, giới đầu tư, phân tích bình luận và đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Ông Danny Sullivan, Tổng biên tập website công nghệ SearchEngineLand.com nhận xét, động thái thay CEO ở Google là cần thiết, bởi gương mặt lẫn cách thức điều hành của Eric Schmidt đã phần nào trở nên chậm chạp, già nua, nên cần được thay thế bằng lớp lãnh đạo trẻ.
“Đã đến lúc Google cần có khuôn mặt lãnh đạo mới. Larry Page đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, nên nay là thời điểm thích hợp để anh trở về ngôi vị lãnh đạo cao nhất”, ông Danny Sullivan nói.
Bản thân Eric Schmidt tâm sự trên blog như sau: "Larry, Sergey và tôi đã trao đổi, thảo luận với nhau rất nhiều về cách thức đơn giản hoá cơ cấu lãnh đạo và đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Google cần lãnh đạo trẻ, quyết đoán hơn tôi, vốn đã 10 năm liên tục ngồi ở ghế nóng”.
Larry Page đánh giá rất cao về người tiền nhiệm như sau: “Trên thế giới không có nhiều CEO làm việc liên tục 10 năm, kết quả năm sau luôn cao hơn nhiều so với năm trước và tiếp tục chứng tỏ điều hành doanh nghiệp một cách tuyệt vời”.
Cũng có ý kiến cho rằng, đã có sự bất đồng, rạn nứt trong quan hệ giữa 3 vị chóp bu, nên mới sinh chuyện “thay tướng” khá đột ngột thế này. Chẳng hạn, đã từng có quan điểm khác nhau giữa 3 người về việc Google phải tháo lui khỏi thị trường Trung Quốc vì chế độ kiểm duyệt gắt gao...
Để xoá tan mọi nghi ngờ, Larry Page đã khẳng định, theo cam kết tay ba với nhau trước khi đưa Google lên sàn chứng khoán vào tháng 8/2004, cả Eric Schmidt, Larry Page và Sergey Brin đều cam kết, sẽ “chung lưng đấu cật” ít nhất là đến năm 2024.
Ông Eric Schmidt cũng xác nhận: “Bộ ba chúng tôi làm việc rất ăn ý với nhau trong suốt 10 năm qua và tôi tin chắc rằng, sẽ còn hợp tác rất chặt chẽ với nhau trong nhiều năm tới”.
Hiểu như vậy, thì động thái thay CEO vừa rồi chỉ là chuyện củng cố chiếc “kiềng ba chân” mà thôi.