Great Place to Work, hãng nghiên cứu nhân sự có trụ sở tại Mỹ, vừa công bố danh sách những công ty đa quốc gia được nhân viên yêu mến thế giới. Những cái tên này được lựa chọn từ 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát năm nay. Yêu cầu của Great Place to Work là những công ty đó phải 5 lần góp mặt trong các danh sách của hãng, có ít nhất 5.000 nhân viên trên toàn cầu và tối đa 60% đang làm việc tại trụ sở chính.
1. Google
Đại gia tìm kiếm đã lập ra chương trình “Bureaucracy Busters” để giảm thiểu thủ tục hành chính trong công ty. Tuy nhiên, thay vì tập hợp một hội đồng, Google lại đề nghị các ngân viên gợi ý và bình chọn chính sách thích hợp nhất. Gần 4.500 nhân viên Google đã tham gia đánh giá 1.200 gợi ý khác nhau, từ thay đổi hệ thống báo cáo đến gắn sơ đồ tòa nhà quanh khuôn viên công ty. 9 đề xuất trong top 10 đã được áp dụng, còn cái cuối cùng đang được thực hiện.
2. SAS Institute
Hãng phần mềm Mỹ sử dụng hệ thống video để trang bị kiến thức cho nhân viên. "60-Second Scoop" cung cấp cho họ thông tin cơ bản về sản phẩm mới. Trong khi "Help Me Understand" là các video thuyết trình của lãnh đạo về phần mềm hay khái niệm trong kinh doanh. Họ còn mở một chương trình đặc biệt để đăng các bài thuyết trình, tài liệu và nguồn tin online về SAS cho các nhân viên.
3. NetApp
Tom Mendoza, Phó chủ tịch công ty quản lý và lưu trữ dữ liệu NetApp, thường gọi điện trực tiếp cho các nhân viên chăm chỉ để cảm ơn và động viên họ. Mỗi ngày, ông thực hiện khoảng 15 – 20 cuộc gọi như thế và đã duy trì văn hóa này suốt 15 năm qua. Các nhân viên NetApp thường cảm thấy rất tự hào khi nhận được điện thoại của
4. Microsoft
Microsoft sử dụng công cụ trực tuyến "Welcome Experience" để chào đón nhân viên mới trên toàn cầu. Bên cạnh đó, công cụ này còn giúp nhân viên tự phát triển “kế hoạch hành động” cho bản thân, như đào tạo, học tập và hoạt động trong 90 ngày đầu, tùy vào vai trò, địa điểm và công việc. "Welcome Experience" còn có hơn 1.000 tài liệu liên quan đến công việc để nhân viên có thể tải về máy.
5. W. L. Gore & Associates
Khi tuyển người cho vị trí lãnh đạo, Gore thường lấy ý kiến từ các nhân viên. Ví dụ, khi hai giám đốc khu vực nghỉ hưu, công ty tổ chức rất nhiều buổi lấy ý kiến tại bộ phận của hai người đó, tham khảo hơn 1.300 nhân viên về những đức tính cần có khi chọn lãnh đạo mới. Quy trình tương tự cũng được thực hiện khi họ chọn giám đốc nhân sự toàn cầu và CEO.
6. Kimberly Clark
Kimberly-Clark liên kết với IBM để tổ chức sự kiện "One K-C Culture Jam", nhằm nghe ý kiến trực tiếp từ nhân viên, làm thế nào để thay đổi văn hóa và mang lại kết quả tốt hơn cho công ty. Hơn 16.000 nhân viên từ 60 quốc gia đã chia sẻ trực tuyến ý kiến của mình. Những phản hồi này sẽ được gộp với kết quả khảo sát toàn cầu của hãng, giúp Kimberly Clark xây dựng môi trường làm việc đẳng cấp thế giới.
7. Marriott
Chuỗi khách sạn Marriott có rất nhiều công cụ giúp các nhân viên trao đổi ý kiến với lãnh đạo. Trong buổi họp đầu mỗi ca làm, họ có thể đặt câu hỏi, chia sẻ cách làm hay, thông tin cá nhân và mối lo ngại với ban lãnh đạo cũng như các đồng nghiệp. Nhiều chi nhánh của hãng còn thực hiện thêm họp ban hàng tháng hoặc hàng quý để giải đáp thắc mắc về công việc.
8. Diageo
Hãng sản xuất đồ uống có cồn Diageo (Anh) ghi nhận những đóng góp của nhân viên qua chương trình "VIP Tours", được tổ chức tại nhà máy của hãng ở Dublin, Ireland. Trong 6 tuần, các nhân viên sẽ được mang gia đình và bạn bè theo để giúp họ hiểu thêm về hoạt động của Diageo.
9. National Instruments
Tại hãng chuyên cung cấp thiết bị đo lường - National Instruments, các lãnh đạo có rất nhiều công cụ để ghi nhận nỗ lực của nhân viên. Việc khen thưởng do quản lý trực tiếp quyết định, vì thế, nhân viên có thể ngay lập tức nhận được 2.000 USD tiền mặt nếu hoàn thành xuất sắc công việc. Trong một năm qua, hãng đã thưởng hơn 969.000 USD cho các nhân viên thông qua chương trình này.
10. Cisco
Chương trình Off/On Ramp của Cisco cho phép nhân viên nghỉ ngơi từ 1 - 2 năm. Những người tham gia có thể xin nghỉ vì bất kỳ lý do gì, như chăm sóc con nhỏ, hoạt động từ thiện hay chỉ là để thay đổi bản thân. Trong thời gian này, họ không được trả lương, nhưng vẫn nhận được các hỗ trợ y tế từ công ty trong năm đầu nghỉ việc. Khi quay lại công ty, họ sẽ được hỗ trợ tìm một vị trí mới trong Cisco.