Theo số liệu của Tradingeconomics.com, giá nhà mới trung bình tại 70 thành phố của Trung Quốc tăng 10,4% trong tháng 2/2019, giữ vững đà tăng 10% trong tháng trước đó. Đây là tháng tăng giá thứ 46 liên tiếp, đồng thời là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2017.
Giá nhà tăng là tin tốt đối với nhà đầu tư và đầu cơ, vốn đã đổ nhiều tiền vào thị trường để tranh thủ kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, đây lại là tin xấu đối với thế hệ trẻ đang tìm kiếm căn nhà cho mục đích an cư và xây dựng gia đình.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, có một số yếu tố có sức ảnh hưởng lớn tới giá nhà tại thị trường Trung Quốc và nhiều khả năng có thể kiềm chế đà tăng nóng tại lĩnh vực này.
Một trong những gọng kìm mạnh nhất, theo Ted Bauman, nhà kinh tế và chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại
Banyan Hill Publishing là sự chấm dứt của môi trường lãi suất thấp.
“Khi quan sát bất kỳ hiện tượng đầu tư bất thường nào như bong bóng bất động sản tại Trung Quốc, một trong những câu hỏi cần đặt ra là: Làm sao các thành viên thị trường chi trả cho các hoạt động này? Và câu trả lời chính là các khoản tín dụng với chi phí thấp. Tín dụng giá rẻ đẩy giá của các loại tài sản mà không cần bận tâm tới giá trị thật”, Ted Bauman cho biết.
Theo đó, giá nhà sẽ tiếp tục tăng chừng nào tín dụng rẻ còn sẵn sàng. Cụ thể hơn, thị trường bất động sản Trung Quốc không phải một thị trường tự do hoạt động theo quy luật cung - cầu, mà được định hình bởi chính sách tiền tệ và tín dụng để đạt được những mục tiêu vĩ mô do Chính phủ đặt ra. Một trong những mục tiêu đó là thúc đẩy nền kinh tế nội địa thông qua xây dựng và phát triển bất động sản, lĩnh vực có khả năng tạo ra nhiều việc làm và chứng kiến hoạt động đầu tư sôi động.
“Thực tế, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc nhận được dòng vốn từ các ngân hàng có sở hữu nhà nước”, Ted Bauman bổ sung.
Đồng quan điểm, Evi Angelakis, CEO và người sáng lập của Golden Key Realty cho biết, chỉ cần chính sách tín dụng giá rẻ đảo chiều, bất động sản Trung Quốc sẽ lập tức ngừng tăng nóng. Hiện tại, một số chính sách thắt chặt của Bắc Kinh đã bắt đầu có ảnh hưởng tới khả năng tài chính của các nhà đầu tư địa phương trên thị trường bất động sản.
Bên cạnh việc chính sách tín dụng có khả năng hạ nhiệt thị trường bất động sản đang tăng trưởng nóng hiện tại, một gọng kìm khác có thể kiềm tỏa sự phát triển là xung đột thương mại với Mỹ, tạo tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nói chung. Bất động sản luôn là tài sản có giá trị cao và được ưu tiên khi điều kiện tài chính tốt, đồng thời cũng là loại tài sản bị gạch ra khỏi danh sách mua sắm đầu tiên khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Mặc dù vậy, việc hạ nhiệt thị trường bất động sản Trung Quốc có một trở ngại, đó là sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư nước ngoài.
“Nếu không còn tín dụng giá rẻ, nhiều nhà đầu tư nội địa sẽ không thể thanh toán các khoản nợ, hoặc có thêm vốn để tái đầu tư và buộc phải bán ra các bất động sản trong vài năm tới. Điều này tạo nên lượng cung hàng dồi dào và thu hút hơn nữa sự tham gia của nhà đầu tư ngoại. Trong 5 năm tới, dự tính có ít nhất 50 tỷ USD vốn ngoại sẽ đổ vào thị trường bất động sản Trung Quốc”, Angelakis cho biết.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com