Gọi vốn bất động sản qua nền tảng công nghệ: Cần thận trọng

(ĐTCK) Hình thức đầu tư bất động sản chia nhỏ trên nền tảng công nghệ Blockchain và sử dụng mã Token (chữ ký số được mã hóa) để tiến hành giao dịch gọi vốn đang dần phổ biến và được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, những vấn đề pháp lý liên quan tới hình thức huy động vốn này hiện vẫn là “tờ giấy trắng”. Do đó, cần sớm có cơ chế thí điểm để phát triển thị trường Token hóa bất động sản.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại buổi Hội thảo chuyên đề: “Công nghệ số trong gọi vốn cho các dự án bất động sản” do Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức ngày 2/11.

Theo ông Nguyễn Triều Đông, đại diện nhóm Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh về lĩnh vực tài sản số để người dân an tâm khi đầu tư vào lĩnh vực mới. Đồng thời, cần có hệ thống tiền tệ số để dung hòa và phát triển vùng với lĩnh vực tài sản số.

Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích về thuế, thủ tục để tạo động lực thúc đẩy thị trường số hóa tài sản thực; Cần kết nối với các thị trường trên thế giới để tăng tính thanh khoản của thị trường, tính hiệu quả trong khai thác tài sản thực giúp thúc đẩy nền kinh tế thực.

Đồng thời, minh bạch hơn nữa các thông tin quy hoạch bất động sản, thông tin về tranh chấp hoặc hạn chế giao dịch. Có thể đưa các thông tin này lên trực tuyến đề người dân dễ dàng tra cứu và tìm hiểu về tài sản trước khi đầu tư.

Về những vấn đề pháp lý phát sinh, TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, có những vấn đề cần làm rõ như: Ai đứng bán; Vai trò của các công ty môi giới trung gian như thế nào; Cơ chế quản lý cho thị trường sơ cấp và thức cấp này và ghi nhận sở hữu thế ra sao? Thuế điều chỉnh ra sao…?

Bởi tại Việt Nam không có quyền sở hữu đất đai, mà chỉ có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu những tài sản trên đất. Do vậy, cần có những quy định mở để phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh thuế, TS. Phan Phương Nam cho rằng, đây là vấn đề cần nghiên cứu và thử nghiệm, bởi phải quản lý được giao dịch thì mới có thể tính thuế được.

“Trong 10 năm tới, việc sử dụng tiền số để thanh toán vẫn còn khó có thể phổ biến. Do đó, phải có cơ chế kiểm soát đối với các giao dịch, như vậy mới có thể kiểm soát được thuế. Hiện nay, trên Thế giới chưa có khuôn khổ pháp lý ổn định nên chúng ta cũng chỉ nên có cơ chế thử nghiệm hoặc thành lập tổ chức giám định…”, TS.Phan Phương Nam nói.

Tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Thơ cũng nêu ra nhiều vấn đề cần làm rõ như: chính quyền nhìn nhận như thế nào về tài sản kỹ thuật số? Tài sản mã hóa? Khi chưa có hành lang pháp lý, việc một số doanh nghiệp triển khai là lách luật hay vi phạm pháp luật…?

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, việc cấp phép cho những hoạt động này phải tuân thủ đòn bẩy về thanh khoản, an ninh mạng, bảo mật thông tin, chống rửa tiền..., đây là những vấn đề cần phải đặt ra. Và, phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải biết điều này để đảm bảo sự toàn vẹn của thị trường.

“Cần hết sức thận trọng cho vấn đề này, về lâu dài cần có sự thảo luận kỹ từ các chuyên gia, nhà làm luật cũng như ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, giúp hoàn thiện khung pháp lý để từ đó có thể thực hiện thí điểm”, GS.TS Trần Ngọc Thơ khuyến cáo.

Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là, dù chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nhưng nhiều dự án bất động sản đã đầu tư theo hình thức Blockchain. Vậy khi xảy ra tranh chấp sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời thắc mắc này, ông Phan Phương Nam cho biết, để đưa ra cách xử lý cụ thể thì cần phải xác định tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa ai với ai, giữa chủ đầu tư với khách hàng hay giữa đơn vị cung cấp dịch vụ với khách hàng… Đối tượng tranh chấp khác nhau thì cách xử lý cũng khác nhau, không có mẫu số chung. Do đó, khi đầu tư vào lĩnh vực này thì nhà đầu tư nên tham khảo qua ý kiến của luật sư.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục