Sai phạm… vì bỏ qua thông tư hướng dẫn
Ngày 26/1/2016, ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi nhận được công văn từ Công ty TNHH Thang máy Thái Bình (TP.HCM), với đề nghị hủy bỏ kết quả chấm hồ sơ kỹ thuật (HSKT) gói thầu số 13 “cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy” của Dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi, vì có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật đấu thầu. Đây là dự án được thực hiện bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ngãi và nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương.
Theo khiếu nại của Công ty Thái Bình, ngày 25/1/2016, đơn vị này nhận được thông báo kết quả đấu thầu giai đoạn đánh giá HSKT, nhưng phát hiện “có vấn đề bất hợp lý”. Theo đó, ngày mà Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Y tế Quảng Ngãi (Ban quản lý dự án) ghi trong văn bản là 15/01/2016, nhưng ngày gửi (được thể hiện qua dấu bưu điện), lại là 22/1/2016. Tức là, thông báo đó “đã bị ách lại đâu đó đúng 7 ngày”.
Sự việc càng trở nên đáng quan ngại, khi sự chậm trễ đó khiến khi Công ty Thái Bình nhận được thư, cũng chính là ngày Ban quản lý dự án thông báo mở Hồ sơ tài chính (HSTC) cho nhà thầu đạt HSKT. Có nghĩa, Công ty Thái Bình biết mình bị loại đúng vào ngày Ban quản lý dự án tiến hành bước 2 trong xét thầu. Không chỉ có vậy, việc mất đi 7 ngày sẽ khiến khả năng khiếu nại của đương sự trở nên khó khăn hơn, vì thời gian khiếu nại kết quả đấu thầu được quy định là 10 ngày.
Ngoài việc “ngâm hồ sơ”, Công ty Thái Bình còn cho rằng, tài liệu hồ sơ mời thầu của Dự án có những biểu hiện vi phạm pháp luật đấu thầu.
Dấu hiệu thứ nhất được thể hiện tại bước 5, mục 5, chương III, phần 1 của Hồ sơ mời thầu (HSMT) khi “quy định xuất xứ cụ thể của từng loại hàng hóa và làm căn cứ chính để đánh giá năng lực nhà thầu”. Việc làm này vi phạm điểm c, khoản 5, Điều 3, Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Không chỉ vi phạm quy định trên, HSMT còn cộng điểm cho nhà thầu “có bằng khen cấp Bộ trở lên, trong việc cung ứng và lắp đặt thang máy cho dự án ngân sách nhà nước có quy mô tương tự như gói thầu này”. Theo khiếu nại của Công ty Thái Bình, trong hệ thống pháp luật về đấu thầu hiện hành, tuyệt nhiên không có quy định nào như vậy.
Về đánh giá kỹ thuật, theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT, thì đối với phương thức đấu thầu mua sắm hàng hóa một giai đoạn, hai túi hồ sơ có quy định ba mức từ cao xuống thấp khá rõ ràng là: có các giải pháp hợp lý và hiệu quả về kinh tế; có các giải pháp, nhưng chưa hoàn toàn hợp lý và hiệu quả kinh tế; không có các giải pháp.
Tuy nhiên, trong HSMT đưa ra quy định “không hợp lý” và chấm điểm 0: Không có các giải pháp... hoặc có nhưng không hợp lý. Việc đưa ra tiêu chuẩn đánh giá “có nhưng không hợp lý” này hoàn toàn thể hiện cảm tính của người chấm thầu và điều này hoàn toàn sai so với hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy Thái Bình, cho rằng, việc vận dụng những quy định rất oái oăm như vậy để đánh rớt các ứng thầu đã khiến chỉ có một nhà thầu (“ngẫu nhiên” đáp ứng tất cả các quy định bất bình thường!?) lọt qua vòng HSKT và duy nhất đơn vị này vào vòng xét HSTC, thì hiển nhiên, đơn vị này trúng thầu. Việc tạo nên những tiêu chí rất cụ thể, rõ ràng (tên loại sản phẩm, bằng khen cấp Bộ của dự án tương tự…) cho thấy sự định hướng vào một nhà thầu cụ thể và thể hiện dấu hiệu thông thầu. “Chỉ một nhà thầu lọt vào vòng HSTC có thể sẽ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước”, ông Tuấn khuyến nghị.
Nỗ lực minh bạch hóa công tác đấu thầu
Theo ông Phạm Xuân Duệ, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu quản lý nhà nước của UBND tỉnh, thông qua đơn kiến nghị của Công ty Thái Bình về đề nghị hủy bỏ kết quả chấm thầu và tiến hành chấm thầu lại Gói thầu số 13 thuộc Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Đáng lưu ý, việc tiến hành thanh tra diễn tại thời điểm chủ đầu tư đã công bố đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH thang máy Sin Việt (với giá trúng thầu hơn 28 tỷ đồng).
Trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về gói thầu này, ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bản thân ông chưa thể trao đổi gì thêm, bởi phải chờ kết luận của Đoàn thanh tra.
Trước đó, giữa tháng 4/2016, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Ngãi gấp rút hoàn thành việc xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi, cũng như các gói thầu mua trang thiết bị, đồng thời chuẩn bị mọi nguồn nhân lực để đưa Bệnh viện đi vào hoạt động trong quý IV/2016.
Để Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng này được đưa vào hoạt động đúng kế hoạch, Sở Y tế Quảng Ngãi đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, phê duyệt điều chỉnh danh mục trang thiết bị, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho Dự án; cho phép lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phần trang thiết bị. Đồng thời, bổ sung kế hoạch vốn năm 2016 và bố trí kế hoạch vốn cho năm 2017, để Sở Y tế có điều kiện hoàn thiện phần xây dựng và lắp đặt trang thiết bị.
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mặc dù việc tiến hành thanh tra dự án này xuất phát từ đơn kiến nghị của Nhà thầu tham gia dự thầu, nhưng đó cũng là biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả của công tác đấu thầu và quản lý chất lượng xây dựng công trình xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ có vậy, việc tiến hành thanh tra còn góp phần phòng ngừa tham nhũng và minh bạch trong công tác đấu thầu.
“Quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành theo đơn kiến nghị của doanh nghiệp thể hiện quyết tâm minh bạch hóa việc quản lý đầu tư những dự án sử dụng ngân sách nhà nước cũng như tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến làm ăn, kinh doanh tại Quảng Ngãi. Khi có kết luận của đoàn thanh tra, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có những hình thức xử lý thích đáng nếu phát hiện sai phạm”, ông Căng khẳng định.
Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin về Dự án sau khi Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Quảng Ngãi công bố kết quả thanh tra.