Cổ phiếu vốn hóa nhỏ, nhóm giá rẻ, cổ phiếu tăng giá theo chu kỳ… tất cả các nhóm cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ đều trở nên vững vàng hơn trong tuần này, phớt lờ các tín hiệu về suy thoái kinh tế, hay kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sức mạnh đồng đều đã giúp thị trường leo lên nấc thang mới: hơn một nửa số cố phiếu thuộc S&P 500 đang giao dịch ở trên đường trung bình 50 ngày lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2.
Chỉ số S&P 500 đang trong đà tăng có phần khác thường, đánh dấu kỷ lục mới về tốc độ phục hồi chỉ trong vài tuần qua. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, nhưng phần quan trọng là các thành viên thị trường tỏ ra “tin tưởng” vào các gói hỗ trợ tài chính, chính sách nới lỏng chưa từng có.
“Giá của các loại tài sản không chỉ phản ứng với sự hồi phục của nền kinh tế, nó còn thể hiện mối liên kết với các biện pháp nới lỏng. Trong khi đó, thị trường đang ngập trong các gói hỗ trợ thời đại dịch”, Yousef Abbasi, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại INTL FCStone cho biết.
Bảng cân đối tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đã phình to lên mức kỷ lục 6,57 nghìn tỷ USD, khi cơ quan này không ngừng công bố các chương trình mua tài sản. Con số này có thể đạt tới 12 nghìn tỷ USD và đạt tương đương 50% GDP tính tới cuối năm nay, theo Bloomberg Economics. Trong khi đó, cuối năm 2019, bảng cân đối tài sản của Fed ở mức tương đương 18% GDP.
Bảng cân đối tài sản của Fed phình to
Theo Tony Dwyer, chiến lược gia trưởng tại hãng tư vấn tài chính Canaccord Genuity, hành động của Fed đã thay đổi thế cờ.
“Đây không chỉ là câu chuyện về lượng tiền (dù con số hiện tại là đáng kinh ngạc). Điều quan trọng là Fed nhận ra áp lực tại mọi ngóc ngách của thị trường và ngay lập tức bắt tay hành động với lượng tiền khủng. Rõ ràng rằng Fed và Quốc hội sẽ tiếp tục bơm tiền cho tới khi đạt được hiệu quả”, Tony Dwyer cho biết.
Nhận định về diễn biến thị trường, Mike Wilson, chiến lược gia trưởng thị trường chứng khoán Mỹ tại Morgan Stanley chia sẻ, dù số liệu về mức độ tự tin của người tiêu dùng, bán lẻ… đều giảm mạnh trong những tuần gần đây, nhưng vẫn ở trên mức thấp kỷ lục ở giai đoạn 2008 – 2009 và khủng hoảng 1990.
“Với các gói nới lỏng quy mô lớn và tác động trực tiếp tới nhóm doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ người tiêu dùng, có thể chúng ta sẽ thấy bất ngờ khi sức tiêu dùng phục hồi sau chuỗi thời gian suy giảm mạnh bậc nhất trong lịch sử”, Mike Wilson cho biết.
Tất cả các gói nới lỏng hiện tại đang đẩy giá cổ phiếu lên cao, giúp đa phần các nhóm cổ phiếu khôi phục được phần nửa thiệt hại vì tác động của đại dịch Covid-19. Ngay cả các nhóm nhạy cảm với chu kỳ tăng trưởng kinh tế, bao gồm tài chính, nguyên vật liệu và sản xuất công nghiệp cũng dẫn đầu đà tăng trong tuần này.