Gói ngân sách mới đẩy trái phiếu chính phủ, đồng bảng Anh vào tâm bão

Thị trường tài chính phản ứng tiêu cực do nhà đầu tư bi quan về kinh tế Anh sau khi chính phủ nước này đề xuất vay thêm hàng trăm tỷ bảng Anh để tài trợ cho kế hoạch cắt giảm thuế, hóa đơn năng lượng.
Đồng bảng của Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với USD và giá trái phiếu chính phủ Anh ghi nhận sự sụt giảm theo ngày lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào ngày 23/9.

Thị trường tài chính phản ứng tiêu cực do nhà đầu tư bi quan về kinh tế Anh sau khi chính phủ nước này đề xuất vay thêm hàng trăm tỷ bảng Anh để tài trợ cho kế hoạch cắt giảm thuế và hóa đơn năng lượng.

Phản ứng của thị trường

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng đã công bố trước Quốc hội chi tiết chương trình mới của chính phủ về các biện pháp cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng và các cải cách trị giá gần 200 tỷ bảng (225 tỷ USD) trong nỗ lực của Thủ tướng Liz Truss nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chấm dứt "chu kỳ đình trệ."

Với kế hoạch của Bộ trưởng Tài chính Kwarteng, chính phủ sẽ cần vay thêm 72 tỷ bảng Anh (79 tỷ USD) trong vòng 6 tháng tới.

Bên cạnh đó, điều khiến nhà đầu tư quan ngại là kế hoạch cắt giảm thuế theo đề xuất của Thủ tướng Truss và Bộ trưởng Kwarteng có nguy cơ khiến nợ công của Anh không bền vững.

Mỗi năm, ngân sách nước này sẽ giảm khoảng 45 tỷ bảng nguồn thu thuế cá nhân và doanh nghiệp.

Phản ứng của thị trường khá tiêu cực trong phiên 23/9. Cụ thể, đồng bảng Anh, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với USD, với 1 bảng đổi 1,0852 USD, giảm hơn 3% trong phiên và là mức thấp nhất kể từ năm 1985.

Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Anh) giảm 2% xuống 7.018,6 điểm - mức đóng cửa thấp nhất kể từ giữa tháng Sáu.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 5 năm (vận động ngược chiều với giá trái phiếu) đã tăng 50 điểm cơ bản trong ngày 23/9 lên mức cao nhất trong 14 năm là 4,06% - tức là tăng hơn 15 lần so với dao động bình thường. Đây cũng là mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ năm 1991.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 33 điểm cơ bản lên 3,83%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011 và cao hơn 1,78 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn tương đương.

Đây là mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ giữa hai nước lớn nhất kể từ khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giành được vị thế độc lập khỏi chính phủ Anh vào năm 1997.

Lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn trực tiếp làm tăng chi phí đi vay của chính phủ và gián tiếp làm tăng lãi suất đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nhà đầu tư đang mất niềm tin?

Bộ trưởng Kwarteng đã lập luận rằng (nước Anh) cần có cách tiếp cận mới cho một kỷ nguyên mới tập trung vào tăng trưởng. Việc cắt giảm thuế được cho là cần thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của Anh lên 2,5%.

Nhưng từ góc nhìn của các nhà đầu tư trái phiếu, kế hoạch này mang lại viễn cảnh áp lực lạm phát dai dẳng hơn - vào thời điểm lạm phát tại Anh đã gần mức cao nhất trong 40 năm - cũng như “để ngỏ” khả năng BoE sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn nữa.

Người dân di chuyển trên một phố mua sắm ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới quan sát dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất lên trên 5% vào tháng 8/2023, từ mức 2,25% hiện nay và chỉ 0,1% vào năm 2021.

Ngân hàng Citi (Mỹ) dự đoán các khoản vay của chính phủ có thể lên đến 218 tỷ bảng Anh trong năm tài khoán này và 229 tỷ bảng Anh vào năm 2023-2024.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm có thể tăng lên 4,25%. Ngân hàng NatWest (Anh) thậm chí ước tính con số này sẽ lên đến 4,5%.

Nhà kinh tế Ross Walker của NatWest và chiến lược gia về lãi suất Imogen Bachra chỉ ra rằng chính phủ đã công bố một gói ngân sách với quy mô tương đương như các biện pháp hỗ trợ trong đại dịch, nhưng lại không có biện pháp kích thích tiền tệ bù đắp dưới hình thức nới lỏng định lượng (QE) để hấp thụ tất cả các đợt phát hành nợ bổ sung.

Trong một động thái làm tăng thêm áp lực thị trường, ngày 22/9, BoE xác nhận ngân hàng trung ương có kế hoạch giảm 80 tỷ bảng số trái phiếu chính phủ mà BoE đang nắm giữ trong năm 2023.

Đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ đã chịu áp lực từ đầu năm do lạm phát tăng nhanh và chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Từ đầu năm đến nay, bảng Anh đã 19% so với đồng bạc xanh.

Kế hoạch ngân sách mới công bố làm trầm trọng thêm những lo ngại về một nền kinh tế Anh “dễ bị tổn thương” trước thách thức lạm phát và định hướng chính sách hậu Brexit.

Mike Riddell, giám đốc cấp cao quản lý mảng danh mục đầu tư thu nhập cố định tại công ty quản lý tài sản Allianz Global Investors, nhận xét rằng lợi suất trái phiếu chính phủ cao hơn và kỳ vọng vào việc BoE sẽ tăng lãi suất đã không thể củng cố sức mạnh của đồng bảng Anh.

Đây là một tín hiệu phản ánh thực tế là các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang mất niềm tin vào khả năng chống lạm phát của Chính phủ Anh.

Citi cho biết một cuộc khủng hoảng niềm tin có thể khiến đồng bảng Anh giảm xuống ngang giá so với đồng USD, trong khi ngân hàng đầu tư JP Morgan cũng đánh giá diễn biến thị trường phiên 23/9 phản ánh sự mất niềm tin lớn hơn của nhà đầu tư vào cách tiếp cận của chính phủ.

Theo ngân hàng Đức Deutsche Bank, BoE cần tăng lãi suất khẩn cấp ngay trong tuần tới để khôi phục uy tín.

Một số nhà bình luận thậm chí đã so sánh hiệu suất của đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ nước này như đồng tiền và trái phiếu của các thị trường mới nổi.

Nhà hoạch định chính sách của BoE, Jonathan Haskel cho biết vào cuối ngày 22/9 rằng ông không lo lắng về sự suy yếu của đồng bảng Anh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các thể chế chính sách trong việc duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp có phản hồi tích cực hơn so với thị trường tài chính khi họ hoan nghênh triển vọng của các biện pháp cải cách và kế hoạch giảm thuế.

Tuy nhiên, những động thái thân thiện với doanh nghiệp của chính phủ đã không trở thành động lực cho thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán FTSE 250 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục