Gói kích cầu: Kỳ vọng nơi đâu?

(ĐTCK) Một giám đốc doanh nghiệp may mặc xuất khẩu nhỏ ở Hà Nội cho biết, gói kích cầu qua lãi suất ngân hàng khiến ông rất quan tâm. Tuy nhiên, điều mà ông còn quan tâm hơn là liệu doanh nghiệp của mình có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này hay không. Đây cũng là câu hỏi chung của nhiều doanh nghiệp qua khảo sát của ĐTCK.
Nhiều khả năng sau Tết Nguyên đán là các doanh nghiệp có thể bắt đầu được vay vốn giá rẻ. Nhiều khả năng sau Tết Nguyên đán là các doanh nghiệp có thể bắt đầu được vay vốn giá rẻ.

Đợi chờ thêm…

Sau lần đề cập đầu tiên trong cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng cuối năm 2008, kế hoạch "bơm tiền" cho doanh nghiệp qua ngân hàng đã được cụ thể hơn một bước. Phương án sử dụng khoản tiền 17.000 tỷ đồng qua cấp bù lãi suất 4% cho doanh nghiệp với kỳ hạn tối đa 12 tháng đã được thông qua tại phiên họp Thường trực Chính phủ tuần trước.

Hiểu một cách đơn giản, nhờ kế hoạch này, doanh nghiệp được lựa chọn sẽ được Chính phủ trả giúp 4% lãi suất cho mỗi khoản vay ngân hàng.

Vậy vốn sẽ được giải ngân qua những ngân hàng nào? Doanh nghiệp trong ngành nào sẽ được vay và được vay bao nhiêu tiền trong kế hoạch 17.000 tỷ đồng? Điều kiện để được vay vốn ra sao? Cơ quan nào sẽ giám sát hoạt động giải ngân?

Những câu hỏi đơn giản như trên đang khiến các chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính làm việc căng thẳng suốt từ tuần trước.

Một vị quan chức NHNN cho biết, hai bên đang cố gắng hoàn thành xong kế hoạch triển khai cụ thể để trình Chính phủ phê duyệt trong tuần này.

Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, sẽ có một danh sách ngân hàng phụ trách giải ngân. Bên cạnh đó, một cơ quan sẽ được giao nhiệm vụ giám sát, đảm bảo tính minh bạch của hoạt động cho vay. Các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cho vay cũng sẽ được cụ thể hoá.

Như vậy, nếu theo đúng kế hoạch, nhiều khả năng sau Tết Nguyên đán là các doanh nghiệp có thể bắt đầu được vay vốn giá rẻ.

cho sự kỳ vọng?

Vị giám đốc doanh nghiệp nêu trên cho biết, hiện tại công ty của ông đang vay vốn với mức lãi suất 11,5%/năm. "Nếu nhờ kế hoạch này mà vay được vốn khoảng 7,5 - 8%/năm thì quá tốt", ông này nói.

Về lý thuyết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều được thụ hưởng trực tiếp khoản kích cầu 17.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đương nhiên, doanh nghiệp vay vốn lưu động để nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa thiết yếu, vay kinh doanh chứng khoán, tài chính, ngân hàng, vay vốn để trả nợ các hợp đồng tín dụng khác sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi này.

Tuy nhiên, phải nhắc rằng, khoản tiền hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng chỉ đủ hỗ trợ cho tổng cộng 420.000 tỷ đồng tín dụng. Con số này chỉ tương đương với khoảng 1/3 nhu cầu vay vốn của nền kinh tế. Nghĩa là, không phải doanh nghiệp nào cũng vay được vốn.

Bên cạnh đó, qua kế hoạch sơ bộ, có thể thấy trách nhiệm của ngân hàng giải ngân không có gì thay đổi. Trong trường hợp doanh nghiệp vay vốn không thể trả được nợ vay thì ngân hàng cũng vẫn "chết theo".

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước cho biết, hoạt động xem xét cho vay của ngân hàng không vì gói kích cầu mà nới lỏng. Nghĩa là, doanh nghiệp nào đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng thì sẽ tiếp tục được vay. Doanh nghiệp chưa đủ điều kiện vay vốn thông thường thì đương nhiên sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, hiện tại dù còn rất nhiều, thậm chí là đa số doanh nghiệp phải vay theo mức lãi suất sát trần (12,75%/năm), nhưng khách hàng lâu năm của nhiều ngân hàng vẫn nhận được mức lãi suất tốt hơn rất nhiều. Giám đốc một công ty niêm yết trong ngành thép cho biết, doanh nghiệp của ông luôn được vay với lãi suất ưu đãi, thường thấp hơn lãi suất trần 2 - 4%. Tuy nhiên, hiện nay, dù mức lãi suất được các ngân hàng chào chỉ khoảng 8 - 9%/năm - tương đương với năm 2007, thì doanh nghiệp cũng ít có nhu cầu vay. "Khi thị trường tốt, kinh doanh suôn sẻ thì dù lãi suất có cao hơn một chút vẫn không sao. Nay thị trường khó khăn, dù lãi suất thấp hơn thì nhu cầu vay vốn cũng không nhiều", vị này cho biết.

Vẫn biết gói kích cầu qua lãi suất ngân hàng là một phương án tốt để kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 để thấy rằng, lãi suất khi đó dù được điều chỉnh rất thấp thì doanh nghiệp vẫn ít vay vốn. Liệu kịch bản cũ có lặp lại?

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục