Tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu hôm 20/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố Việt Nam dành 8 tỷ USD để kích cầu kinh tế. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về con số 8 tỷ USD này không?
8 tỷ USD này bao gồm toàn bộ gói kích cầu mà Chính phủ đưa ra từ đầu năm tới nay. Trong đó, chi hỗ trợ cho người nghèo trong dịp Tết, giảm miễn thuế theo Nghị quyết 30 của Chính phủ, bù lãi suất 4% theo Nghị quyết 31... là những chương trình đã triển khai mà chúng ta vẫn gọi là gói kích cầu số 1. Còn gói kích cầu thứ 2 hay gọi cách khác là hỗ trợ giai đoạn 2 bao gồm các chương trình như: bù lãi suất 2 năm cho công nghiệp phụ trợ, cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, cho nông dân vay vốn (kể cả vay mua sắm hàng tiêu dùng và nông cụ sản xuất), ngân sách nhà nước đầu tư vào hạ tầng xã hội... Cộng tất cả các khoản này lại là 8 tỷ USD.
Ông đánh giá thế nào về gói kích cầu thứ 2?
Tôi cho đây là một giải pháp đúng của Chính phủ. Gói kích cầu thứ 2 đưa ra chủ yếu là nối tiếp gói thứ nhất nhưng với mục tiêu là liên kết cái ngắn hạn với mục tiêu trung hạn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng nhằm tái cấu trúc lại bộ máy của mình để có thể phát triển bền vững, mạnh mẽ khi kinh tế phục hồi trở lại.
Sau khi triển khai gói kích cầu, đến lúc này kinh tế trong nước đã có nhiều tín hiệu lạc quan. Không ít người đã nói đến việc phục hồi, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cũng cho rằng, chúng ta có nhiều điều kiện để phục hồi sớm hơn bởi bên cạnh suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP thì nền kinh tế vĩ mô được củng cố và tính bền vững cao hơn năm 2008. Đây là kết quả nổi bật trong việc thực thi các chính sách của Đảng và Chính phủ. Cụ thể, đã kéo giảm và kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ổn định được tỷ giá, cân đối được ngoại tệ, dự trữ quốc gia không những không giảm mà có tăng chút ít, hệ thống tài chính - ngân hàng được củng cố, nguy cơ phá sản một số ngân hàng thương mại đã vượt qua...
Kinh tế toàn cầu chỉ có thể hồi phục từ đầu năm 2010 nhưng tốc độ sẽ rất chậm vì cần thời gian để lành mạnh hóa thị trường tài chính. Ảnh hưởng về độ trễ đối với nền kinh tế Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Do đó cần xác định quan điểm trong 2 năm sắp tới, chúng ta không đặt trọng tâm tăng trưởng về lượng, mà thay đổi về chất, các chính sách kinh tế hướng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu, phát triển bền vững.
Tóm lại, chúng ta cần có một gói giải pháp tổng thể để vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế, vừa tận dụng thời cơ để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh. Ít nhất phải có gói giải pháp cho 2 năm 2009 - 2010 gắn liền với việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Gói kích cầu đầu tiên đã có hiệu quả
Gói kích cầu 8 tỷ USD là một kế hoạch tổng thể bao gồm các chương trình hỗ trợ người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, nhà ở cho người có thu nhập thấp; tiền miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; cho vay bù lãi suất ngắn và trung hạn... Mục đích của gói kích cầu đầu tiên là ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội đã và đang phát huy tác dụng tốt. Gói kích cầu thứ 2 là bảo đảm phát triển bền vững thì cần có độ trễ dài hơn do độ mở của kinh tế Việt Nam quá lớn. Có nhiều yếu tố phải phụ thuộc vào kinh tế thế giới chứ không chỉ do chủ quan quyết định được nên phải đến quý 4/2009 mới có thể có kết quả.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Thời cơ cho doanh nghiệp
Chính phủ đã quyết định tăng giá trị gói kích cầu lên tới 160.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8 tỷ USD và thời hạn vay vốn kích cầu cũng sẽ được kéo dài hơn chứ không chỉ trong năm nay như dự kiến ban đầu. Mục đích của việc mở rộng vốn và thời gian kích cầu này là để các dự án đều có thể được vay vốn. Đây là thời cơ lớn cho các doanh nghiệp. Sau 2 năm nữa sẽ không có cơ hội vay vốn giá rẻ như hiện nay (ghi tại cuộc hội thảo do Báo Người lao động tổ chức ngày 1/4).