Trong đó, Uỷ ban đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0%/năm phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, Chính phủ đã quyết định tung ra gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phía Bộ Tài chính phải trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịchCovid-19; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng.
“Ðiều này có nghĩa, 250.000 tỷ đồng được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cân đối nguồn vốn để giúp các doanh nghiệp khó khăn bởi dịch bệnh trên cơ sở cơ cấu, khoanh, giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất.
Các ngân hàng vẫn đang huy động và trả lãi suất cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm tới 8%/năm nên không thể chỉ đạo cho vay với lãi suất 0%/năm trong 3 năm. Các ngân hàng thương mại là một loại hình doanh nghiệp nên sẽ tự quyết định các hình thức hỗ trợ tối đa trong khả năng. Nếu yêu cầu các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp nhà nước vay với lãi suất 0%/năm trong 3 năm không chỉ “giết” các ngân hàng từ từ, mà là “giết” ngay lập tức”, TS. Hiếu nói.
Theo TS. Hiếu, các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp có vốn nhà nước, Chính phủ nên chia 3 nhóm doanh nghiệp: thứ nhất, chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, “sống dở, chết dở”; thứ hai, chịu tác động nhưng vẫn có thể tự trang trải chi phí; thứ ba, ít chịu ảnh hưởng.
Trên cơ sở đó, Chính phủ có những gói hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm, không chỉ là biện pháp về tín dụng ngân hàng.
“Chính phủ nên phân loại, đưa ra tiêu chí khách quan trên cơ sở báo cáo tài chính, lực lượng lao động làm việc, thị trường kinh doanh bị thu hẹp… để xếp loại các doanh nghiệp được ưu tiên ưu đãi về vốn, nhưng nguồn tiền này không phải đến từ hệ thống ngân hàng. Một gói hỗ trợ của Chính phủ ít nhất 100.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước sẽ dùng hỗ trợ các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân”, TS. Hiếu khuyến nghị.
Trong thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều tổ chức và hiệp hội đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ về vốn vay như giảm lãi, khoanh nợ, giãn nợ cho ngành du lịch, bất động sản...
Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một chuyên gia kinh tế thẳng thắn: “Nguồn vốn đến từ hệ thống ngân hàng không phải là “bầu sữa” nhà nước để ai cũng hút được. Việc toàn hệ thống ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay cũ và cho vay mới tới 3%/năm không kể giãn, hoãn nợ dành cho những doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh là có thật và đang được triển khai.
Ðể làm được điều này, chính các tổ chức tín dụng đang phải “thắt lưng buộc bụng”, chấp nhận giảm lợi nhuận trước lời kêu gọi, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ. Theo đó, việc các doanh nghiệp phải hội đủ điều kiện mới được vay với lãi suất ưu đãi của các tổ chức tín dụng là chuyện đương nhiên, còn những doanh nghiệp nào không vay được ưu đãi lãi suất cũng nên xem lại chính mình”.
TS. Hiếu thì chia sẻ thêm: “Hiện chưa có thông tin cụ thể về doanh nghiệp nhà nước nào rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở” vì về cơ bản, Nhà nước sẽ “bao bọc” những “đứa con” của mình và không để những doanh nghiệp nhà nước quá khó khăn.
Tuy nhiên, nếu 3 tháng tới, bệnh dịch trên toàn cầu vẫn chưa được khống chế, thế giới và Việt Nam sẽ đi vào cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu” thì doanh nghiệp nhà nước cũng có thể “sống dở, chết dở”.
Trong bất kỳ tình hình nào, Chính phủ nên triển khai ngay gói hỗ trợ với nguồn tiền từ ngân sách nhà nước từ bây giờ”.