Ngày 22/7, trong khi một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá đầy đủ hơn về tác động và hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 thì Uỷ ban Xã hội đã phát hành một báo cáo liên quan đến vấn đề này.
Ký báo cáo "Một số ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19", Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết báo cáo này đã tiếp thu ý kiến thành viên Ủy ban tại phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ nhất (ngày 21/7/2021).
Theo đánh giá của Uỷ ban, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân, người lao động. Dịch bệnh đã bào mòn nguồn dự trữ, tích lũy của người lao động, đẩy người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khủng hoảng.
Ảnh hưởng của đợt dịch đầu tiên đã bắt đầu cho thấy hậu quả nặng nề khi số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần những tháng đầu năm 2021 tăng cao, cụ thể, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần 5 tháng đầu năm 2021 (399.939 người) tăng 25% so với 5 tháng đầu năm 2020 (319.202 người).
Đối với doanh nghiệp, dịch bệnh đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, nguồn lực về lao động, đặc biệt đã tác động nặng nề tới chiến lược và phương hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vừa phải chống chọi với dịch bệnh, bảo vệ người lao động của mình vừa phải thay đổi phương thức kinh doanh, thay vì tập trung chuyên môn hóa vào thị trường tiêu thụ sản phẩm nhất định thì phải tăng cường tìm thị trường đầu ra, đa dạng thị trường và phương thức tiêu thụ sản phẩm.
Báo cáo cũng đánh giá kết quả thực hiện thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Dự kiến nguồn lực ban đầu khi Chính phủ đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 61.580 tỷ đồng với ba hợp phần chính: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với quy mô khoảng 35.880 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương; Hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với quy mô khoảng 16.200 tỷ đồng và thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng và Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước khoảng 3.000 tỷ đồng.
Đối với gói thứ 3 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành triển khai thực hiện vì giải pháp này chưa phù hợp trong bối cảnh đang thực hiện giãn cách xã hội tại thời điểm Chính phủ trình, bà Thuý Anh cho biết.
Nhiều con số chưa đến 1%
Kết quả, gói hỗ trợ bằng tiền mặt đã thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, bằng 36,5% quy mô gói hỗ trợ cho 56.026 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 173.473 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 1.077.515 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; 1.027.028 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng ; 2.917.816 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ; 7.971.814 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo quốc gia và 37.317 hộ kinh doanh .
Tuy nhiên, trong số này, tiền hỗ trợ cho đối tượng thứ nhất chi được 80,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,23% quy mô gói hỗ trợ. Đối tượng thứ hai được hỗ trợ 177,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,5% quy mô gói hỗ trợ. Đối tượng thứ ba chỉ được hỗ trợ 1.001,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,79% quy mô gói hỗ trợ. Và các hộ kinh doanh chỉ nhận được 38,0 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,11% quy mô gói hỗ trợ.
Về chính sách gián tiếp, gói hỗ trợ với quy mô 16.200 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.
Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với ước tính quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, đến nay đã nhận và giải quyết cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.
Những con số thấp đến khó tin này đã được nêu nhiều lần trong các cuộc làm việc với chuyên gia, các cuộc thẩm tra về kinh tế- xã hội của các cơ quan của Quốc hội.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đều nhận xét, chính sách hỗ trợ qua gói 62 ngàn tỷ chậm và chưa hiệu quả.
Thấp, chậm và chưa kịp thời
Liên quan đến việc hỗ trợ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) Uỷ ban Xã hội cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 135/2020/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 194/NQ-CP ngày 31/12/2020 để triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA với quy mô lên đến 12.000 tỷ đồng.
Trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho VNA vay có tài sản bảo đảm của VNA để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0% . Hiện nay đã có 3 tổ chức tín dụng là Ngân hàng Đông Nam Á, Ngân hàng Hàng Hải và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội đã có cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền nêu trên.
Cùng với đó, cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) để tăng vốn điều lệ với số tiền 8.000 tỷ đồng.
Tiến độ này được Uỷ ban Xã hội đánh giá là còn chậm.
Đối với Nghị quyết 42, báo cáo nêu rõ, việc thực hiện chính sách không đạt được như kỳ vọng khi ban hành chính sách, số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, chậm và không kịp thời. Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ trực tiếp, chỉ có 3,6% gói hỗ trợ được giải ngân cho nhóm đối tượng này …
Một số quy định để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc, chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện .
Công tác thông tin, truyền thông về chính sách thiếu thận trọng khi các cơ quan có thẩm quyền chưa có ý kiến chính thức đã gây ra những cách hiểu chưa chính xác, chưa đầy đủ, tạo sự kỳ vọng quá lớn trong Nhân dân, người lao động và doanh nghiệp so với việc thực hiện trên thực tế .
Hạn chế nữa là mặc dù đã được khắc phục kịp thời, song tại một số địa phương vẫn để xảy ra số ít hiện tượng lợi dụng chính sách, lập danh sách trùng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng tiêu chí đối tượng.
Một trong các nguyên nhân của tình trạng trên được nêu tại báo cáo là việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg , Quyết định 32/2020/QĐ-TTg để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc, chưa thực tế, trong quá trình xây dựng chưa tạo sự đồng thuận cao giữa các cơ quan, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện .
Bên cạnh đó thì quy trình, thủ tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ còn mang tính hành chính nhằm bảo đảm sự “an toàn” cho các cơ quan, tổ chức thực hiện.