Gói giải pháp kích thích nền kinh tế: “Liều thuốc mạnh” chờ cách kê đơn

(ĐTCK) Tám giải pháp kiềm chế lạm phát hồi đầu năm của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều nền kinh tế đầu tàu (Mỹ, Nhật Bản, EU) rơi vào suy thoái đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trên những phương diện quan trọng như: xuất khẩu, đầu tư (trực tiếp và gián tiếp), du lịch... Cùng với đó, TTCK sụt giảm nghiêm trọng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm hai tháng liên tiếp (tháng 10 và 11) cho thấy, không chỉ giá giảm, mà sức mua cũng giảm mạnh. Việc Chính phủ đưa ra gói giải pháp kích thích nền kinh tế được xem là đồng bộ, kịp thời, vấn đề là cách thực thi, triển khai.
Quan trọng nhất là việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp một cách thuận lợi. Quan trọng nhất là việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp một cách thuận lợi.

Gói giải pháp đồng bộ Chính phủ vừa đưa ra gồm 5 điểm chính để ngăn chặn suy giảm kinh tế: một là thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; hai là kích cầu đầu tư và tiêu dùng; ba là chính sách tài chính, tiền tệ phải hết sức linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN và nhân dân sản xuất - kinh doanh; bốn là đảm bảo an sinh xã hội; năm là tổ chức, chỉ đạo điều hành năng động, quyết liệt, trong đó chú trọng rà soát lại các loại thủ tục, nhất là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, tiếp cận vốn, nộp thuế, hoàn thuế...

Trao đổi với ĐTCK, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết, trong các giải pháp trên, quan trọng nhất là việc cung cấp tín dụng cho các DN một cách thuận lợi. "Trước đây, với lãi suất 9%, DN có thể làm ra lợi nhuận từ 1 - 3%. Với mức 11 - 12% như hiện nay, các DN không dám vay vì làm ăn khó có hiệu quả. Cần nới lỏng tín dụng bằng việc hạ lãi suất", ông Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, trong bối cảnh xuất khẩu giảm như hiện nay, về phía các DN cần tái cơ cấu lại mặt hàng, từ bỏ các mặt hàng có phẩm cấp thấp chuyển sang hàng hóa có chất lượng cao. Vấn đề cốt yếu là cần ban hành các giải pháp cụ thể trong thời gian sớm nhất, cải cách hành chính mạnh mẽ, hạn chế cơ chế "xin - cho", giảm chi phí tham gia thị trường cho DN và thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra mới có thể thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn và phát triển.

Cùng chung quan điểm đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ trong thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên CTCK ACBS cho rằng, đang tồn tại một nghịch lý: trong khi ngân hàng thừa vốn thì các DN lại khó vay, dù rất "khát" vốn. Cần tháo gỡ nút thắt này bằng cách bỏ lãi suất trần (chỉ áp dụng cho các trường hợp cá nhân cho vay lẫn nhau), cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và DN để nguồn vốn lưu thông thuận lợi từ nơi cần đến nơi có.

Về đề xuất lùi thời điểm thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), theo quy định, Luật Thuế TNCN sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, như vậy thẩm quyền liên quan đến hiệu lực thi hành của luật này là do Quốc hội quyết định. Nếu Chính phủ đề nghị lùi thời gian thực hiện Luật Thuế TNCN sẽ phải trình Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 5/5/2009.

Việc giãn thu thuế TNCN không chỉ giúp người dân có thêm tích lũy, mà còn là liệu pháp tâm lý tác động khá tích cực. Còn đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho DN nhỏ và vừa, theo một số chuyên gia kinh tế, điều này không có nhiều ý nghĩa, vì DN làm ăn có lãi, phát sinh thu nhập mới phải nộp thuế. Vấn đề quan trọng hiện nay là hạn chế số DN bị phá sản vì thiếu vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM, nên giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đối với các DN đang gặp khó khăn. Về nguyên tắc, thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng nộp, DN chỉ là người thu hộ và nộp cho Nhà nước. Cho giãn thời gian nộp cũng là một hình thức Nhà nước hỗ trợ vốn cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Vì họ đã khó khăn, khó vay vốn ngân hàng, được giãn thời gian nộp thuế, họ có vốn để làm ăn.

Được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, TTCK sẽ có những phản ứng tích cực trong quá trình triển khai các giải pháp đồng bộ kể trên. Nếu chính sách thuế tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư cũng như hỗ trợ các DN thì chính sách tỷ giá lại có tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của không ít DN đang niêm yết trên cả hai sàn. Hy vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi, TTCK khởi sắc trở lại.

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,277.14 -0.44 -0.03% 239,939 tỷ
HNX 243.29 0.72 0.3% 2,336 tỷ
UPCOM 94.45 0.92 0.98% 2,390 tỷ