Gói bánh mì bằng giấy báo coi chừng bị phạt

Việc gói bánh mì bằng các loại giấy có thể gây nhiễm độc cho người dùng là hành vi vi phạm pháp luật mà người kinh doanh các loại thức ăn nhanh ít quan tâm.
Ảnh Internet

Nhanh, gọn, đỡ tốn chi phí là những ưu điểm khi sử dụng giấy báo, giấy in, hay giấy tập để gói những gói xôi, ổ bánh mì, quẩy, khoai tây chiên… Thế nhưng, ẩn chứa sau sự tiện dụng ấy lại là những tác hại khôn lường đối với sức khỏe của người sử dụng.

“Âm thầm” bị nhiễm độc chì

Một số nghiên cứu ở Trung Quốc và Đài Loan cho biết loại mực dùng để in báo chứa nhiều nguyên tố gây hại như: ethanol, isopropanol, toluen,…đặc biệt là PCBs ( Polychlorinated Biphenyls). Khi được làm khô chúng có đã giảm bớt khả năng gây hại nhưng với sức khỏe con người thì nó vẫn phát huy tác hại khôn lường khi bạn ăn phải hay hít phải chúng.

Trên báo chí PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: “Việc dùng giấy báo để bao gói thực phẩm là hành vi rất thường gặp, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Trước hết, phải kể đến các loại hóa chất có trong mực in, trong đó có chì”.

Thành phần chính của giấy báo là các tạp chất, hóa chất tổng hợp. Cùng với đó là loại mực dùng để in giấy báo cần phải có độ bám dính cao, trong đó nó có thành phần chì rất nặng.

Do chì không có khả năng hòa tan trong nước cũng như việc oxy hóa chúng là không thể nên khi chì được đưa vào cơ thể chúng ta nó sẽ được các cơ quan như gan, thận, biểu mô mỡ nó sẽ bị tích trữ lại và gây hại cho bạn.

Theo các nhà khoa học thì có tới 0,1 – 1mg chất độc của chì trong 1kg giấy báo. Trong khi đó cơ thể người sẽ bị nhiễm độc khi lượng chì trong cơ thể lên đến 0,5 – 2mg chất độc của chì. Khi gặp nhiệt độ cao từ những thực phẩm nóng thì độc nguy hiểm của nó còn cao hơn ở mức bình thường.

Tuy nhiên, việc sử dụng giấy báo để gói xôi, bọc bánh hiện nay lại vô cùng phổ biến khiến nguy cơ nhiễm độc chì ở những người thường xuyên ăn thực phẩm bọc bằng giấy báo là rất cao.

Cạnh đó, theo TS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Hóa học Công nghiệp thì chất chì trong giấy báo dùng đẻ bọc xôi, gói thực phẩm có khả năng gây suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…

Thành phần chính của giấy báo là các tạp chất, hóa chất tổng hợp. Cùng với đó là loại mực dùng để in giấy báo cần phải có độ bám dính cao, trong đó nó có thành phần chì rất nặng.

Nguy cơ nhiễm khuẩn do giấy báo cũng khá cao khi những tờ giấy báo đi từ nhà máy sản xuất đến các sạp hàng bán báo, qua tay người đọc do vậy khả năng nhiễm một số loại vi khuẩn gây bệnh là không thể tránh khỏi.

Ngoài không vệ sinh còn vi phạm pháp luật

Mặc dù vào Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 39/2005/ QĐ-BYT Vào ngày 28-11-2005 Về việc ban hành quy định về các điều kiện vệ sinh chung đối với cơ sở sản xuất thực phẩm, tại Điều 16 của Bộ quy định này thì thiết bị, dụng cụ chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển: “Phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác.

Việc sử dụng các vật liệu bao gói mới đều phải được Bộ Y tế thẩm định và cho phép”. Đồng thời, bộ quy định nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Mặc dù pháp luật đã cấm hành vi trên nhưng dường như người dân vẫn giữ “thói quen” và không mấy ai quan tâm đến sự ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe. Một bộ phận khác lại nghĩ đơn giản là nếu chỉ sử dụng trong chốc lát thì chắc cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Thực tế, sức khỏe của con người luôn là thứ quý giá nhất do vậy đừng vì những cái lợi trước mắt mà “giết” đi tương lai sau này.

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH MTV An Luật chia sẻ: “Đối với những món ăn đường phố, thông thường người mua không đặt nặng vấn đề về bao bì, mẫu mã cho bắt mắt.

Do đó, người mua có thể chấp nhận những bao bì đơn giản không cầu kỳ. Điều đó dẫn đến việc người bán vì muốn tiết kiệm nên cẩu thả trong việc sử dụng giấy gói, thậm chí sử dụng giấy gói không đủ an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo tôi, ngoài việc nâng cao ý thức pháp luật người bán cần nâng cao ý thức kinh doanh - dù là kinh doanh nhỏ lẻ.

Bởi bất kỳ khách hàng nào cũng cần an tâm về an toàn thực phẩm, nhất là trong giai đoạn hiện nay con người đang có nhiều lo ngại về vấn đề này”.

Đồng thời theo LS.Quỳnh Như việc sử dụng bao gói không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm như: giấy báo, giấy tập,…để gói các loại thức ăn đường phố sẽ bị xử lý theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 22 Nghị định 178/2013/NĐ-CP, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm về hành vi sử dụng bao gói chứa đựng thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm, mức phạt tiền được áp dụng với hành vi này sẽ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Theo Plo.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục