Gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 0,5%, đâu là nguyên nhân?

0:00 / 0:00
0:00
Dù là gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội, nhưng mức lãi vay lại ở mức cao, đây là một trong 3 nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng có tiến độ giải ngân chậm.
Sau hơn một năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 640 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Vũ Sau hơn một năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 640 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Vũ

Lý do khiến gói tín dụng “ế khách”

Bắt đầu được triển khai từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội hiện mới chỉ giải ngân 0,5%. Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, hiện các ngân hàng mới chỉ cam kết cấp tín dụng cho 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, tương đương 0,5% gói tín dụng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng có tiến độ giải ngân còn chậm. Trong đó, 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm:

Thứ nhất, nhiều địa phương chưa công bố đầy đủ danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói tín dụng. Hiện cả nước có 129 dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng nhưng mới chỉ có 28 địa phương công bố 68 dự án đủ điều kiện vay.

Thứ hai, bản thân nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng, chẳng hạn không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng, đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…

Thứ ba, hiện mức lãi vay của gói 120.000 tỷ đồng vẫn ở mức cao. Cụ thể, mức lãi suất ưu đãi rơi vào khoảng 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà. Thậm chí, thời hạn ưu đãi cũng tương đối ngắn, chỉ kéo dài 3 - 5 năm.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mức lãi vay 8%/năm chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội, nhất là khi mức lợi nhuận bị khống chế ở mức 10%. Sự ràng buộc này có thể sẽ làm doanh nghiệp chịu lỗ khi thực hiện dự án.

Trong Talkshow "Những công thức bán nhà thành công" của Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G Home, thẳng thắn nhận định rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ sẽ khó lòng thành công.

“Bản chất gói tín dụng này khác với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Gói trước đây được phía Ngân hàng Nhà nước rót vốn vào vào các ngân hàng thương mại để hỗ trợ lãi suất. Còn gói mới là kêu gọi các ngân hàng phải giảm lãi suất 1 - 2% so với lãi vay thông thường”, ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.

Với tính chất “kêu gọi” của gói 120.000 tỷ đồng, vị giám đốc của G Home lo ngại rằng nếu không may xảy ra nợ xấu, đâu sẽ là nguồn “bù lỗ” cho phía ngân hàng? Đây là một dấu hỏi mà các đơn vị ban hành chính sách sẽ phải tìm ra lời giải để kích cầu gói tín dụng.

Bài học phát triển nhà ở xã hội trên thế giới

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, các nước phát triển cũng sở hữu các gói hỗ trợ tín dụng cho nhà ở xã hội tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, mức ưu đãi lại có sự cách biệt rất lớn.

Ví dụ ở Pháp, chính phủ có khoản vay ưu đãi mua nhà ở xã hội là Prêt Logement Accession. Gói này cho phép người thu nhập thấp có thể vay với mức lãi suất chỉ khoảng 0,5 - 2%/năm. Thời hạn vay kéo dài lên tới 15 - 20 năm. Tùy từng trường hợp, mức lãi suất và thời hạn vay sẽ có sự thay đổi tương ứng.

Chia sẻ tại Talkshow, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Định giá, Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, đã lấy Singapore làm hình mẫu trong công cuộc phát triển nhà ở xã hội.

Ngay từ những năm 1960, quốc đảo sư tử đã bắt đầu các chiến dịch phát triển nhà ở xã hội (HDB). Theo Bloomberg, hiện khoảng 80% người dân Singapore đang sinh sống trong các căn hộ HDB. Khác với Việt Nam, những dự án nhà ở xã hội này được trang bị đầy đủ tiện ích và tọa lạc tại các vị trí đắc địa.

“Điều làm nên sự thành công của nhà ở xã hội tại Singapore là một quỹ Chiến lược Phòng xa (Central Provident Fund - CPF)”, bà Dương Thùy Dung nhấn mạnh.

Đây là một quỹ được thiết kế để hỗ trợ người dân trong nhiều khía cạnh của đời sống, bao gồm mua nhà ở, chăm sóc y tế và tiết kiệm hưu trí. Nguồn vốn của quỹ sẽ đến từ khoản đóng góp được trích từ thu nhập của người lao động và bên sử dụng lao động.

“Để quỹ được vận hành thành công, chính phủ Singapore đã xây dựng những những chính sách điều tiết hợp lý và chặt chẽ. Ví dụ, người dân chỉ được phép sử dụng số tiền trong quỹ để mua tối đa hai căn nhà ở xã hội. Khi bán lại, mức giá cũng không phép cao như dự án nhà ở thương mại”, bà Dung cho biết thêm.

Thanh Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục