Góc nhìn về Công đoàn và nguồn nhân lực tại Viettel

Tại Đại hội Công đoàn lần thứ 5 của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa được tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc đã chia sẻ với các bộ công nhân viên về vai trò khác biệt của công đoàn cũng như nguồn lực quan trọng nhất của Viettel.
Góc nhìn về Công đoàn và nguồn nhân lực tại Viettel
Chúng ta là một!
Góc nhìn về Công đoàn và nguồn nhân lực tại Viettel ảnh 1

Chia sẻ về “tổ chức đại diện cho mình” với các cán bộ công nhân viên Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công đoàn tại đây “không giống như tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp tư bản, vốn có trách nhiệm là bảo vệ người lao động trước giới chủ doanh nghiệp”.

CEO Viettel nói: “Chúng ta không có ông chủ và người làm thuê. Chúng ta là những người lao động trong chính ngôi nhà của mình, trên mảnh đất của mình. Chúng ta là những người làm chủ. Bởi vậy, cần hiểu chúng ta là một”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý “trách nhiệm của tổ chức công đoàn là chiếc cầu nối giữa người lao động và lãnh đạo, chỉ huy từ đơn vị đến tập đoàn”.

Và bổ sung “không phải vì người lao động không thể trực tiếp trao đổi với người lãnh đạo, chỉ huy mà vì thông qua một tổ chức chính thống, sự kết nối sẽ có tính đại diện rộng lớn hơn, toàn diện hơn.

Trách nhiệm của công đoàn còn là truyền đạt chính sách của tổ chức đến với người lao động. Không phải vì người lao động không biết đến những chính sách ấy mà vì chính sách sẽ luôn cần điều chỉnh cho tốt hơn”. 

Góc nhìn về Công đoàn và nguồn nhân lực tại Viettel ảnh 2

Theo người đứng đầu Viettel, tổ chức công đoàn gần gũi với người lao động, cần giải thích để người lao động hiểu chính sách, ghi nhận những điều còn chưa phù hợp với cuộc sống và giám sát việc hoàn thiện chính sách.

Trách nhiệm của công đoàn còn là cùng với các đoàn viên tham gia xây dựng một môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, để ngôi nhà Viettel có thể trở thành tổ ấm, để gia đình Viettel thực sự hạnh phúc. Không phải vì Viettel chưa làm được điều đó mà còn vì luôn có thể làm tốt hơn nữa. 

Ông Hùng nhấn mạnh: “Đây không phải là nỗ lực chỉ cần một lần rồi thôi. Xây dựng một môi trường làm việc tuyệt vời ở đó có sự thông hiểu giữa các thành viên, có các chính sách cho người lao động liên tục được cải thiện, có những sự quan tâm và chăm lo cho nhau khi khó khăn đều cần có sự học hỏi và làm mới liên tục”.

Con người là nguồn vốn và cần thay đổi trước khi buộc phải thay đổi

Nói về những công đoàn viên tại Viettel, CEO Viettel khẳng định, “nhiều tổ chức tuyên bố rằng “con người là tài sản lớn nhất”. Nhưng Viettel tuyên bố rằng, “con người là nguồn vốn lớn nhất”.

Tài sản thì sẽ hao mòn và ngày càng mất giá trị. Nhưng vốn sẽ sinh ra vốn và ngày càng tạo ra giá trị. Nguồn vốn duy nhất luôn hiện hữu, không thể bị thay thế và có khả năng gia tăng sức mạnh, giá trị chính là con người”.

Theo ông Hùng, mảnh đất dù có màu mỡ đến đâu cũng không tự dưng sản sinh ra của cải vật chất. Khách hàng không tự động đến với Viettel, mà phải cần đến những con người cần mẫn ngày đêm phục vụ.

Tập đoàn Viettel không tự nhiên mạnh lên, mà phải cần đến những con người đam mê, nhiệt huyết, chủ động, sáng tạo. Đó là cách Viettel nhìn vào người lao động của mình.

“Tất cả chúng ta đều muốn công việc của mình mang một tầm quan trọng nhất định. Sâu thẳm bên trong, mỗi con người đều muốn mình tạo ra giá trị. Giá trị cho bản thân; Giá trị cho gia đình; Giá trị cho tổ chức;

Giá trị cho xã hội; Giá trị cho đất nước; Giá trị cho toàn cầu; Giá trị cho loài người. Không có động lực nào lớn hơn việc biết rằng bạn đang tạo ra sự thay đổi cho thế giới. Nhưng bao nhiêu trong số chúng ta đã dành thời gian để tìm kiếm giá trị sâu xa hơn trong công việc của mình?

Chúng ta cũng thường cho rằng một số nghề mới tạo ra giá trị, một số người mới có khả năng tạo ra giá trị. Nhưng câu trả lời bất ngờ là tất cả phụ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta về công việc của mình. Chúng ta cũng không cần đợi mình phải có một chức danh mới bắt đầu tạo ra giá trị. 

Góc nhìn về Công đoàn và nguồn nhân lực tại Viettel ảnh 3

Chúng ta không cần chức danh để thể hiện những khả năng tốt nhất của mình.

Chúng ta không cần chức danh để trở thành một tấm gương tốt, có thể khích lệ, truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng đến người khác.

Chúng ta không cần chức danh để có khả năng định hướng những thay đổi tích cực dù đang phải đối mặt với những hoàn cảnh tiêu cực.

Chúng ta cũng không cần chức danh để có khả năng đối xử với tất cả mọi người một cách tử tế, tôn trọng và đề cao họ”.

Và CEO Viettel kết lại: “Một vệt nắng, một cơn gió lạ có thể báo trước một cơn bão đang tới. Những dấu hiệu nhỏ có thể báo hiệu những thay đổi lớn.

Nhận thức này càng có ý nghĩa trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà máy móc có nguy cơ lấy đi nhiều công việc mà hiện nay con người đang đảm nhiệm. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi trước khi buộc phải thay đổi”.


Theo Lao Động

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục