Do đó vấn đề đặt ra có tính quyết định tới việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế là cùng với tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng đầu tư và nới lỏng các chính sách kinh tế, thì việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như quá trình hội nhập được coi là những xung lực mạnh mẽ nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Mặc dù lạm phát 2014 chỉ khoảng 2,5%, tuy nhiên lạm phát vẫn là vấn đề cần quan tâm trong năm 2015. Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, triển vọng kinh tế 2015 có thể đi theo 2 kịch bản dựa trên khả năng kiềm chế lạm phát, trong đó kịch bản tươi sáng là nếu lạm phát được kiểm soát dưới 5% và kịch bản thứ 2 kém sáng sủa hơn nếu ngược lại.
“Trong bối cảnh hiện tại muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 cao hơn 2014 với tiền đề lạm phát đã và sẽ được kiềm chế tốt hơn thì chắc chắn vẫn phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Một mặt cung tiền cho nền kinh tế sẽ được đảm bảo với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trên dưới 12%, đồng thời duy trì tính thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng trong quá trình tiếp tục tái cơ cấu. Mặt khác tổng tín dụng cho nền kinh tế sẽ được đẩy ra mạnh mẽ hơn thông qua tháo gỡ bớt các rào cản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đi đôi với tích cực xử lý nợ xấu”, ông Ánh phân tích.
Cũng theo ông Ánh, lãi suất tiền gửi và cho vay cả bằng đồng nội tệ và ngoại tệ sẽ được điều chỉnh theo diễn biến lạm phát với xu thế chủ đạo là giảm lãi suất cho vay, đồng thời thu hẹp khoảng cách chênh lệnh giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ, cùng với tiếp tục duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Với động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, ông Ánh cho rằng, một lợi ích có thể thấy rõ là khu vực ngoài nhà nước sẽ được hưởng lợi bởi so với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ định hướng tới khu vực này hơn hẳn.
“Doanh nghiệp ngoài nhà nước được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn với lãi suất thấp hơn, đồng thời áp lực cạnh tranh với khu vực nhà nước để có được vốn tín dụng sẽ giảm đáng kể”, ông Ánh nói.
Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia nhất trí là yếu tố tiền đề quan trọng để có thể nâng được mức tăng trưởng kinh tế năm 2015 là cần đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thực tế hiện nay, mô hình tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lợi thế lao động giá rẻ nhưng năng suất thấp và khai thác tài nguyên, chứ chưa chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Với mô hình tăng trưởng kiểu cũ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, nên chỉ có thể giúp nâng mức tăng trưởng trong ngắn hạn.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, để có thể mang lại mức tăng trưởng cao và bền vững cho nền kinh tế, cần dựa vào tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả thay cho việc mở rộng tài khóa và tăng đầu tư kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Ánh cho rằng, không nên trông chờ sự tăng trưởng của nền kinh tế thông qua tăng trưởng vốn đầu tư, mà cần phải chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu suất sinh lời của dòng vốn song song với tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng công nghệ mới hiện đại.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn có thể đạt được trong ngắn hạn, song tăng trưởng kinh tế chỉ bền vững khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế dựa vào năng suất lao động và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ”, ông Ánh nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, TS. Nguyễn Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương dự báo, có thể sẽ có một xung lực mới mạnh mẽ cho nền kinh tế từ tiến trình hội nhập thực sự sâu và rộng sẽ diễn ra trong năm 2015, đó là việc dự kiến hoàn thành ký kết 6 hiệp định thương mại song phương và khu vực. Bên cạnh đó, năm 2015 có thể sẽ là điểm khởi động mạnh mẽ cho hoạt động M&A, trở thành xu hướng chủ đạo trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.
“Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, tiến trình cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước diễn ra mạnh mẽ, sự lớn mạnh của khối tư nhân cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam, trong thời gian tới dự kiến các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử sẽ tạo nên các cơn sốt về M&A tại Việt Nam”, ông Chung dự báo.