CTCK FPT - FPTS
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số giảm nhẹ và đóng cửa tại mức 571 điểm. Như vậy, chỉ số vẫn bảo toàn được biên độ đi ngang gần đây tại 570- 580 điểm. Đáng chú ý, trong phiên này, chỉ số VN-Index đã có một nhịp lao dốc khá sâu và thiết lập mức thấp mới của đợt giảm ngắn hạn tại 568 điểm.
Với tiền lệ giảm này rất có thể chỉ số vẫn còn khả năng rơi tiếp do nền thanh khoản trong các phiên gần đây luôn ở mức rất kém, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 20 phiên gần nhất (109 triệu đơn vị / phiên).
Qua quan sát, tâm lý bắt đáy là khá tốt, ra nhập rất nhanh và tận dụng nhịp rơi khi chỉ số về khu vực giá thấp. Tuy nhiên sức hồi sau đó lại không được đánh giá cao với lượng dự mua mỏng và không được bổ sung liên tục. Điều này cho thấy bên mua vẫn giữ trạng thái thận trọng và chưa sẵn sàng cho khả năng tạo đáy của thị trường.
Như vậy về mặt điểm số thì nỗ lực “dắt ngang” trong 04 phiên gần nhất của thị trường là rất đáng kể tuy nhiên về yếu tố lượng thanh khoản thì chưa đạt yêu cầu cho một sự đột biến tích cực của xu hướng.
Chỉ báo MACD tiếp tục cải thiện khoảng phân kỳ âm với đường tín hiệu tuy nhiên độ dốc và sự xuyên phá của chỉ báo này xuống dưới mức 0 vẫn là cảnh báo rủi ro trong ngắn hạn với các hoạt động giao dịch. Chỉ báo RSI rơi trở lại khu vực “quá bán” điều này hàm ý các hoạt động “bắt đáy” sẽ tiếp tục diễn ra đi kèm rủi ro cao xuất hiện các bẫy tăng giá.
Lấy khung biên độ mới xác định quanh khoảng 570-580 điểm làm căn cứ xác lập xu hướng mới trong ngắn hạn, sự xuyên phá khỏi biên độ này sẽ là tín hiệu cụ thể nhất cho các hoạt động giao dịch. Cho tới thời điểm này, nội lực của dòng tiền vẫn thiếu tích cực khiến kịch bản tiếp tục rơi về khu vực hỗ trợ 550-560 điểm vẫn được bảo lưu.
CTCK Bảo Việt - BVSC
VNINDEX hình thành cây nến đỏ đặc nhỏ, có bóng dưới chớm xuống dưới vùng hỗ trợ mạnh 565-570 điểm. Thanh khoản có sự cải thiện so với phiên trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần nhất.
Diễn biến này phần nào cho thấy tâm lý thận trọng và đâu đó là sự e ngại của nhà đầu tư về khả năng chỉ số rơi vào nhịp sụt giảm mạnh trong ngắn hạn. Dẫu vậy, có một điểm tích cực đáng chú ý là khi người bán có dấu hiệu mất kiên nhẫn và đẩy mạnh bán ra ở các vùng giá đỏ, thì lực cầu giá thấp lại hấp thụ khá tốt giúp chỉ số hồi phục trở lại.
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: BVSC
Mặc dù vậy, đường giá vẫn đang chịu sức ép ngày một lớn từ sự hướng xuống của nhóm MA ngắn hạn tại thời điểm các chỉ báo kỹ thuật khác (Momentum, MFI và ADX) vẫn đang có diễn biến tương đối tiêu cực. Thêm vào đó, trên đồ thị tuần, cây nến đỏ đặc dài xuất hiện đẩy đường giá xuyên thủng vùng hỗ trợ được hội tụ bởi đường SMA100 và SMA50 trong bối cảnh đường STO đang lao dốc mạnh và tạo ra khoảng cách trên 25 điểm so với đường tín hiêu. Đường MACD cũng đang có nguy cơ cắt xuống dưới ngưỡng 0. Những tín hiệu trên có thể khiến chỉ số phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh trong thời gian tới.
Vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số được dự báo nằm tại 560-565 điểm đối với VNINDEX tương ứng 79-79,5 điểm đối với HNXINDEX. Đây được xem là điểm mua trading nâng tỷ trọng cho danh mục ngắn hạn lên mức trung bình.
CTCK MB - MBS
Về mặt kỹ thuật, VN-Index có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp và đang biến động hẹp quanh vùng hỗ trợ 565-570 điểm, trong khi đó HNX-Index tiếp tục giao dịch cân bằng quang vùng 81 điểm.
Về cơ bản xu thế giảm điểm ngắn hạn của các chỉ số vẫn chưa có tín hiệu kết thúc, mặc dù vậy thanh khoản sụt giảm nhanh tại vùng này đang cho thấy tín hiệu thị trường tạo lập vùng cân bằng ngắn hạn.
Trong tuần tới, rủi ro đối với thị trường vẫn là động thái bán ròng của khối ngoại có tác động từ hoạt động cơ cấu danh mục của ETF và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thời điểm FED tăng lãi suất lần đầu đang tới gần. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục an toàn, chờ đợi các tín hiệu xác nhận về xu hướng sắp tới để có hành động phù hợp.