Góc nhìn kỹ thuật phiên 6/1

(ĐTCK) Sự xung đột giữa xu hướng tăng trung hạn và xu hướng giảm ngắn hạn tạo nên một vùng tích lũy phía trên 500 điểm và trạng thái này có thể tiếp diễn trong tuần giao dịch tới.

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 6/1.

 

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index

 

Nguồn: VCBS

 

CTCK FPT - FPTS

Với diễn biến tương tự như phiên trước, VN-Index phiên 3/1 đóng cửa tại 505,37 điểm với biên độ dao động trong phiên rất hẹp.

Xu thế giằng co đi ngang đang chiếm ưu thế.

Cây nến xanh xuất hiện trên đồ thị nằm trọn trong cây nến liền trước thể hiện rõ ràng cho nhận định trên.

Kết hợp với dải Bollinger tiếp tục thắt chặt cùng các chỉ báo kỹ thuật chưa có tín hiệu rõ ràng cho thấy VN-Index sẽ tiến hành tích lũy ở vùng giá hiện tại trong ngắn hạn.

Đóng cửa tại 67,97 điểm, HNX-Index nhích nhẹ chỉ 0,04 điểm so với phiên trước cho thấy xu thế giằng co đang chiếm ưu thế khá rõ ràng.

Tín hiệu kỹ thuật đang khá "nhiễu" khi các chỉ báo liên tiếp tăng – giảm cho thấy trong ngắn hạn xu hướng thị trường chưa thực sự rõ rệt.

Thời gian tới HNX-Index sẽ tiếp tục bị "ép" trong khoảng hẹp 67 – 68,5 điểm.

 

CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS

Chỉ số VN-Index giảm điểm đầu tuần, tăng điểm cuối tuần, phản ứng với ngưỡng hỗ trợ 500 điểm.

Khối lượng giao dịch tiếp tục giảm so với tuần trước đó. Thanh khoản toàn thị trường thấp hơn mức trung bình 21 ngày, dòng tiền vào thị trường còn thận trọng.

Chỉ số RSI14 theo đồ thị tuần giảm nhẹ xuống mức 56,8 điểm, tâm lý thị trường có cải thiện nhưng còn thận trọng. Chỉ báo MACD 9 ngày đã giảm sát đường tín hiệu.

Chỉ số VN-Index đã tăng điểm trở lại khi giảm qua đường biên dưới của kênh dao động hẹp thiết lập từ tháng 10/2013, tiến sát mốc hỗ trợ của dải Bollinger Bands. Mức độ tăng điểm từ ngưỡng hỗ trợ không mạnh với thanh khoản thấp, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư còn khá phổ biến. Thị trường có sự phân hóa rõ rệt các nhóm cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh năm 2013 và ngành nghề dự kiến có triển vọng năm 2014.

Chỉ số VN-Index dao động hẹp với khối lượng giao dịch thấp chưa cho tín hiệu mới về kỹ thuật. Thị trường vẫn đang trong xu hướng dao động hẹp trong kênh tăng giá thiết lập từ cuối tháng 10/2013, đi kèm với sự phân hóa dòng tiền dựa trên yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Thị trường dự báo tăng điểm trong tuần giao dịch tới, với ngưỡng cản kỹ thuật gần nhất là khoảng 507-508 điểm, tương đương với đường biên dưới của kênh tăng giá đã giảm qua.

Trong khi đó, HNX-Index tiếp tục tuần tăng điểm thứ 12 liên tiếp. Thị trường diễn biến sát với chỉ báo kỹ thuật, dao động trong kênh tăng giá thiết lập từ tháng 9/2013 đến nay.

Khối lượng giao dịch giảm so với tuần trước khi quan điểm thận trọng của nhà đầu tư còn phổ biến. Dòng tiền phần lớn vẫn tập trung tại một nhóm cổ phiếu, lượng cổ phiếu không có giao dịch hoặc thanh khoản thấp vẫn chiếm đa số.

Chỉ số RSI14 theo đồ thị tuần tăng nhẹ lên mức 73,6 điểm, tâm lý thị trường vẫn khá tích cực. Đường MACD 9 ngày nới rộng khoảng cách so với đường tín hiệu, tiếp tục cho chỉ báo về xu hướng tăng.

Chỉ số HNX-Index tiếp tục tuần tăng điểm thứ 12 liên tiếp với thanh khoản giảm so với tuần trước. Thị trường tiếp tục xu hướng dao động trong kênh tăng giá đã thiết lập từ nửa cuối tháng 9/2013, giảm điểm khi tiến đến đường biên trên của kênh và tăng điểm trở lại khi giảm đến mốc hỗ trợ đường biên dưới của kênh giá.

Chỉ số HNX-Index dao động hẹp với thanh khoản thấp chưa cho tín hiệu mới về kỹ thuật. Thị trường dự báo tiếp tục dao động trong kênh tăng giá trung hạn kéo dài từ giữa tháng 9, với ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng là khoảng 68,5-69,5 điểm.

 

CTCK Maybank KimEng - MBKE

VN-Index tạo ra một nến rất ngắn, không có ý nghĩa kỹ thuật mới trên đồ thị.

Hỗ trợ ở 492 điểm. Kháng cự mạnh ở 513 điểm.

Thanh khoản xuống mức thấp mới. Khối lượng giao dịch chỉ đạt 50 triệu cổ phiếu, thấp hơn 40% so với mức trung bình giao dịch 50 ngày (81 triệu). Chúng tôi xem rằng thanh khoản thấp là hệ quả của việc kỳ nghỉ lễ. Hiệu ứng của kỳ nghỉ lễ có thể sẽ được giảm bớt từ tuần 6/1 do các nhà đầu tư trở lại thị trường sau kỳ nghỉ.

Chỉ báo kỹ thuật giảm nhẹ. Chỉ báo kỹ thuật KE Sentiment Index nằm trong chiều hướng giảm thể hiện trên đồ thị. Trước đó, chỉ báo này đã có phân kỳ tiêu cực.

Sau dấu hiệu phân kỳ tiêu cực, VN-Index tạo đỉnh và đáy sau thấp hơn, vẫn nằm trong đợt điều chỉnh từ mức đỉnh 513 điểm. Hỗ trợ tiếp theo của chỉ số ở mức 492 điểm.

Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt cân bằng trong giai đoạn hiện tại. Tỷ trọng đề xuất 50/50 (tiền mặt/cổ phiếu).

HNX-Index tăng nhẹ bằng một doji ngắn, cho thấy thị trường đang cần bằng ở mức này.

Lưu ý rằng HNX-Index đã thiết lập 4 thanh nến rất ngắn trước đó. Sự tập trung nhiều thanh nến ngắn sau chuỗi tăng điểm dài, kết hợp với tín hiệu từ chỉ báo kỹ thuật sẽ là cảnh báo thận trọng rằng sau giai đoạn có ưu thế, lực của người mua không còn vượt trội so với người bán.

Kháng cự đặt tại 76,8 điểm. Hỗ trợ ở mức 65,3 điểm.

Khối lượng giao dịch chỉ còn 33 triệu cổ phiếu, thấp hơn 25% so với mức trung bình 50 ngày gần nhất (42 triệu).

Chỉ báo kỹ thuật vẫn tạo phân kỳ tiêu cực. Trong phiên này, KE Sentiment Index nhích nhẹ, nhưng vẫn nằm trong chiều hướng giảm kể từ cuối tháng 11. Đây là tín hiệu phân kỳ quan trọng trên đồ thị, gợi ý rằng có thể HNX-Index đang đứng trước một giai đoạn điều chỉnh dài.

Xu hướng ngắn hạn của HNX-Index vẫn là tăng điểm. Các dấu hiệu cảnh báo đang xuất hiện tập trung hơn, giá đang chậm lại với các dấu hiệu cân bằng giữa người mua và người bán. Chỉ báo kỹ thuật vẫn đang tạo phân kỳ tiêu cực so với giá.

Do xu hướng tăng giá ngắn hạn kèm theo các tín hiệu cảnh báo thận trọng, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt/cổ phiếu cân bằng. Tỷ trọng đề xuất 50/50 (tiền mặt/cổ phiếu).

 

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index

 

Nguồn: VCBS

 

CTCK Bảo Việt - BVSC

Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 1, VN-Index đóng cửa mất điểm.

Chỉ số lập mức giá thấp mới tại 499,49 điểm, phá vỡ mức thấp nhất của 2 tuần giao dịch liền trước.

Thanh khoản của tuần giao dịch xuống thấp và độ rộng không quá nghiêng về chiều giảm giá là những biểu hiện của trạng thái tích lũy.

Tuy nhiên, kết quả mất điểm và việc chỉ số lập mức thấp mới là bằng chứng rõ ràng cho thấy xu hướng giảm giá ngắn hạn đang chi phối.

Sự xung đột giữa xu hướng tăng trung hạn và xu hướng giảm ngắn hạn tạo nên một vùng tích lũy phía trên 500 điểm và trạng thái này có thể tiếp diễn trong tuần giao dịch tới.

Trong khi đó, mô-men tăng giá vẫn tích cực trên đồ thị tháng và tuần của HNX-Index.

Chỉ số đang được hỗ trợ mạnh bởi yếu tố xu hướng và các thành tố đo sức mạnh thị trường như thanh khoản và độ rộng.

Tuần giao dịch tới chúng tôi dự đoán HNX-Index sẽ tăng điểm trên nền thanh khoản tốt hơn tuần giao dịch vừa qua. Độ rộng tăng giá của sàn HNX có thể sẽ cải thiện nhanh hơn và là điểm tựa tâm lý cho sàn HOSE.

 

CTCK MB - MBS

VN-Index phiên 3/1 giao dịch trên tham chiếu trong phiên nhưng kết thúc phiên chỉ tăng điểm nhẹ.

Chỉ số hình thành một nến trắng. Khối lượng giao dịch đạt mức trung bình.

Ngắn hạn, VN-Index đã dao dộng đi ngang trong vùng 495-515 trong vòng 3 tháng kể từ đầu tháng 10.

Trung hạn, VN-Index đang nằm trong vùng kháng cự có nhiều hoạt động 500 - 510. Chỉ số đã từng 3 lần không thể xuyên qua vùng điểm này và tạo đỉnh vào tháng 4, tháng 7 và tháng 8/2013.

HNX-Index giao dịch quanh tham chiếu trong phiên và kết thúc phiên tăng điểm nhẹ.

Chỉ số hình thành một nến đỏ mỏng. Khối lượng giao dịch đạt mức trung bình.

Ngắn hạn, HN-Index đã tạo một kênh tăng điểm mạnh kể từ giữa tháng 9. Đà tăng mạnh cũng như chỉ số vẫn chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào là một yếu tố rủi ro tương đối. Chỉ số RSI đang nằm trong vùng quá bán.

Trung hạn, sau khi đi lên từ vùng điểm 58 – 59, HNX-Index đã thoát ra khỏi kênh giảm điểm bắt đầu từ tháng 6. Chỉ số đã vượt qua ngưỡng kháng cự 65-66, là đỉnh cũ vào tháng 2/2013 và tháng 6/2013.

 

CTCK Rồng Việt - VDSC

Phiên 3/1, VN-Index tăng nhẹ trở lại lên mức 505,37 điểm, tăng 0,86 điểm (tương ứng 0,17%). Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 50,1 triệu cổ phiếu. Thanh khoản của thị trường đang tiếp tục sụt giảm.

Kết phiên, VN-Index tạo thành nến xanh với thân và hai bóng ngắn. Diễn biến này thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong việc tham gia thị trường.

Như vậy, sau phiên hồi phục mạnh ngày 31/12/2013 đường giá có hai phiên giằng co liên tiếp quanh ngưỡng 505 điểm.

VN-Index vẫn đang biến động trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Đường biên trên của xu hướng điều chỉnh ngắn hạn tương ứng ngưỡng 508 điểm đang là kháng cự của đường giá.

Kết thúc tuần này, VN-Index giảm nhẹ 1,04 điểm từ mức 506,41 điểm xuống 505,37 điểm. Khối lượng giao dịch cũng giảm mạnh từ 391 triệu cổ phiếu xuống còn 249 triệu cổ phiếu.

VN-Index đang biến động trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, kèm theo thanh khoản của thị trường đang tiếp tục giảm sút.

Chúng tôi cho rằng, VN-Index cần có thời gian tích lũy mới có sự chuyển đổi xu hướng.

HNX-Index cũng tăng nhẹ lên mức 67,97 điểm, tăng 0,04 điểm (tương ứng 0,06%). Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 40,55 triệu cổ phiếu.

Đóng cửa, HNX-Index tạo thành nến xanh với thân ngắn. Trong phiên đường giá biến động với độ rộng nhỏ, nhưng khối lượng giao dịch có sự cải thiện nhẹ so với phiên 2/1.

HNX-Index vẫn biến động trong xu hướng tăng trung hạn từ cuối tháng 9/2013 đến nay. Sau phiên điều chỉnh mạnh ngày 30/12/2013 đường giá đã hồi phục lại gần ngưỡng 68 điểm và biến động giằng co quanh 68 điểm, bênh cạnh đó thanh khoản vẫn chưa tăng lại.

Trong ngắn hạn, HNX-Index vẫn đang biến động trong đợt điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ 67 điểm và ngưỡng kháng cự 68,5 điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật vẫn chưa xuất hiện tín hiệu khả quan trở lại. Xu hướng RSI đi xuống, đường cỏ MACD mọc hơn dài dưới đường 0.

Thanh khoản của thị trường vẫn đang suy giảm, kèm theo tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng hơn trong việc tham gia thị trường. Chúng tôi vẫn đánh giá thận trọng với diễn biến hiện tại của thị trường, nhà đầu tư thận trọng nên quan sát thêm diễn biến thị trường, đối với nhà đầu tư lướt sóng hạn chế mua đuổi giá trong các phiên tăng.

>> Chứng khoán tuần mới: “Trung thành sẽ có lãi”

>> Tự doanh sau "chốt sổ" sẽ mua mạnh tuần tới?

>> Khối ngoại đổ hàng trăm tỷ đồng vào PVS

N.Tùng
N.Tùng

Tin cùng chuyên mục