Góc nhìn kỹ thuật phiên 23/3: VN-Index tiếp tục đi ngang tích lũy

(ĐTCK) Một số chỉ báo như RSI, MACD hiện vẫn cho tín hiệu suy yếu trong ngắn hạn. Theo đó, chỉ số nhiều khả năng tiếp tục đi ngang tích lũy tại vùng 565-573 điểm trong một vài phiên tới.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 23/3.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Sau khi cắt xuống dưới đường SMA100, VN-Index đã cho phản ứng hồi phục trở lại nhờ sự nâng đỡ của lực cầu giá thấp tại vùng hỗ trợ này, qua đó giúp cho chỉ số hình thành mẫu hình nến “spinning top” ngay tại đường SMA20.

Cây nến này xuất hiện cùng với sự sụt giảm xuống dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất của thanh khoản phần nào cho thấy đã không còn nhiều người muốn bán để đẩy giá xuống thêm nữa. Điều này thể hiện tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng đường giá sẽ xuất hiện nhịp hồi phục tăng điểm trở lại từ vùng hỗ trợ được hội tụ bởi đường SMA100 và nhóm MA ngắn hạn đang hướng lên.

Về mặt xu hướng, chỉ số vẫn chưa hoàn toàn phá vỡ xu hướng đi ngang với những nhịp tăng giảm đan xen trong vùng kẹp giữa đường SMA100 và SMA200. Tuy nhiên, nếu đường giá xuyên thủng hoàn toàn vùng hỗ trợ quan trọng này trong những phiên tới thì khả năng chỉ số sụt giảm về đường SMA50 cần được tính đến trong ngắn hạn. Đặc biệt là khi sự dịch chuyển của đường giá trên khung thời gian intraday tiếp tục có xu hướng xấu dần đi.

Về hệ thống các chỉ báo kỹ thuật, đường PSAR đã bị đường giá xuyên thủng đồng nghĩ với việc trạng thái tăng của chỉ số sẽ tạm thời bị chững lại. Đường MACD và Momentum đã ở rất gần các ngưỡng 0 và 100. Vời độ dốc giảm lớn như hiện tại thì khả năng các chỉ báo này cắt xuống dưới các ngưỡng trên hoàn toàn có thể xảy ra ngay trong một vài phiên tới. Điều này có thể sẽ đẩy chỉ số quay lại xu hướng giảm ngắn hạn.

Mặc dù vậy, các chỉ báo dao động (W%R, STO) đã bắt đầu giảm về vùng quá bán. Trong trạng thái đi ngang của chỉ số như hiện tại thì những tín hiệu của các chỉ báo này tại các vùng quá mua hoặc quá bán sẽ tương đối có ý nghĩa. Điều này có thể được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ này trong những phiên còn lại của tuần. Nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các nhịp tăng điểm của chỉ số để chốt lời các vị thế ngắn hạn, qua đó giảm tỷ trọng danh mục về mức trung bình thấp.

CTCK MB – MBS   

Về mặt kỹ thuật, mặc dù thị trường vẫn trong xu hướng giảm điểm ngắn hạn, nhưng các chỉ số đã có sự hồi phục trong phiên sau khi giảm mạnh xuống dưới các ngưỡng hỗ trợ 570 điểm với VN-Index và 80 điểm với HNX-Index.

Điều này cho thấy, các ngưỡng hỗ trợ 565-570 điểm với VN-Index và 79-80 điểm với HNX-Index vẫn đang được duy trì. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì danh mục hiện tại và theo dõi diễn biến kiểm nghiệm các mức hỗ trợ trên để có hành động phù hợp.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS 

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index tiếp tục giảm điểm và rơi về gần vùng hỗ trợ bên dưới 563-568 điểm. Thanh khoản tuy vậy giảm so với vài phiên gần đây. Lực cầu xuất hiện trở lại khá tích cực vào cuối phiên. Tuy vậy, một số chỉ báo như RSI, MACD hiện vẫn cho tín hiệu suy yếu trong ngắn hạn. Theo đó, chỉ số nhiều khả năng tiếp tục đi ngang tích lũy tại vùng 565-573 điểm trong một vài phiên tới.

HNX-Index tăng điểm nhẹ và tiếp tục tích lũy trong vùng giá 80-81 điểm. Lực cầu quay trở lại vào cuối phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại sau một vài phiên chốt lời. Một số chỉ báo như RSI, Stochastic Oscillators tiếp tục cho tín hiệu đi ngang. Theo đó, chỉ số sẽ khó giảm sâu và tiếp tục đi ngang tại vùng giá này trước khi xác lập xu hướng sắp tới.

CTCK FPT – FPTS

Với phiên giảm thứ ba liên tiếp này thì tín hiệu tiêu cực về xu hướng tiếp tục được nhấn mạnh sau nỗ lực bứt phá kháng cự 580 điểm không thành công của phiên giao dịch 17/3. Thân nến của giảm của phiên này cho thấy, trạng thái giằng co cung-cầu tiếp diễn với ưu thế thuộc về bên bán. Cụ thể, phần bóng dưới phản ánh tâm lý bán trong phiên có lúc đã khiến chỉ số đánh mất mốc hỗ trợ 570 điểm.

Điểm tích cực là cầu giá thấp được kích hoạt dưới ngưỡng hỗ trợ đã giúp chỉ số thu hẹp biên độ giảm tại thời điểm đóng cửa. Thanh khoản có sự sụt giảm về dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất cũng góp phần hỗ trợ xu hướng bởi nó cho thấy khả năng áp lực bán đang bắt nguồn từ tâm lý chốt lời hơn là sự rút lui của dòng tiền.

Về chỉ báo, do các bollinger band vẫn đang thu hẹp dần khoảng cách nên nhận định về kịch bản đi ngang trong phạm vi 560 – 580 điểm của VN-Index sẽ tiếp tục được bảo lưu với diễn biến theo tuần của sàn HOSE.

Tuy nhiên, với tín hiệu VN-Index bắt đầu cắt xuống đường MA 20 sau phiên 22/3 thì nếu không sớm xuất hiện lực nâng đưa chỉ số quay lại phía trên đường trung bình động này, rủi ro sẽ tiếp tục được tăng cường do chỉ số sẽ dao động hướng về cận dưới của bollinger band.

Ngoài ra, nhóm các chỉ báo xu hướng và xung lượng cũng đang xấu đi nhanh chóng khi đảo chiều lao dốc hướng về mức giá trị trung bình. Theo đó, nếu chỉ số tiếp tục giảm nhanh và mạnh về khu vực 550-560 điểm thì các vị thế nắm giữ cổ phiếu sẽ cần phải cân nhắc đề phòng rủi ro hình thành xu hướng giá xuống ngắn hạn.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục