Góc nhìn kỹ thuật phiên 22/1: Chưa hình thành điểm mua an toàn

(ĐTCK) Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức GIẢM xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 543.91 với VN-Index và 76.23 với HNX-Index, cho nên điểm mua an toàn vẫn chưa được hình thành.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/1.

CTCK FPT – FPTS

Chốt phiên ngày 21/1, VN-Index tiếp tục để mất thêm 7,56 điểm xuống còn 521.88 điểm. Đà giảm mạnh tái diễn đã khiến chỉ số nhanh chóng thoái lui về sát ngưỡng hỗ trợ 520 điểm và đồng thời xóa bỏ hoàn toàn tín hiệu tích cực của Bullish marubozu xuất hiện khi phiên 20/01. Việc chỉ số sụt giảm đột ngột trong thời gian ngắn và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày cho thấy áp lực bán ra đã hoàn toàn áp đảo bên mua trong phiên buổi chiều. Khối lượng giao dịch theo đó cũng bật tăng mạnh và đồng thời cho thấy tâm lý bán tháo vẫn đang là rủi ro lớn nhất của thị trường lúc này.

Về chỉ báo, các chỉ báo kỹ thuật quan trọng tiếp tục tiến sâu hơn vào khu vực Bán trong ngắn hạn như MACD, RSI, STO…, chiều hướng lao dốc của các chỉ báo xung lượng đang ủng hộ cho kịch bản tiếp diễn của xu hướng giá xuống ngắn hạn. Tuy nhiên, do Stochastic Oscillator đang ở khá gần với mức giá trị cực tiểu nên rủi ro của những phiên giảm mạnh liên tục là không lớn, đặc biệt là khi đường giá của VN-Index một lần nữa vượt ra ngoài cận dưới của bollinger bands.

Đánh giá về khả năng hỗ trợ, mốc 520 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ chính đối với VN-Index trong phiên kế tiếp. Dựa trên kênh xu hướng hồi quy 3 tháng, mức hỗ trợ này được đánh giá là khá mạnh khi có sự hiện diện của đường biên dưới của kênh giá hồi quy và khu vực đáy cũ vào Tháng 8/2015. Do đó, khả năng xuất hiện phiên hồi phục kỹ thuật là vẫn còn nếu như khu vực 520 được giữ vững.

Trong trường hợp bi quan hơn, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 500 điểm sẽ đóng vai trò như lực đỡ cuối cùng trong kịch bản cảnh báo về sự đổ vỡ của xu hướng thị trường trung, dài hạn.

CTCK Bản Việt – VCSC

Phiên 22/1 sẽ là phiên quan trọng để xác nhận nhịp hồi phục bền vững hơn và dự báo đây có thể sẽ là phiên hồi phục.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức GIẢM xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 543.91 với VN-Index và 76.23 với HNX-Index, cho nên điểm mua an toàn vẫn chưa được hình thành. Do đó, nếu các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể tận dụng cơ hội giảm điểm để mua vào vùng giá thấp. Đồng thời, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư chưa nên mở lại vị thế mua.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm mạnh, về sát mốc 520 điểm. Chỉ số này tạo thành Gap tại vùng 526-530 điểm với đuôi nến dài phía trên. Điều này cho thấy, áp lực bán diễn ra mạnh về cuối phiên, tuy nhiên, lực bắt đáy cũng xuất hiện và mua vào tích cực. Nếu tiếp tục giảm xuống dưới mốc 520 điểm, VN-Index sẽ hướng về vùng 510-513 điểm, tương ứng đáy thiết lập từ tháng 5/2014.

HNX-Index tiếp đà điều chỉnh giảm sau khi không bật tăng thành công khỏi mốc 74.3 điểm. Thanh khoản không tăng nhiều so với phiên trước, trong khi đà bán diễn ra trên diện rộng. Áp lực bán tháo do vậy có phần suy giảm so với phiên trước.

Tuy vậy, các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho thấy xung lực giảm trong ngắn hạn đang rất mạnh. HNX-Index sẽ sớm tiếp cận mốc hỗ trợ 72 điểm trong phiên tới.

CTCK MB – MBS   

Về mặt kỹ thuật, các chỉ số chứng khoán tiếp tục sụt giảm để tiến về vùng đáy cũ trong vùng điểm 510-518 với VN-Index và 72-73 điểm với HNX-Index. Trong các phiên tới, các chỉ số có thể tiếp tục suy giảm để chính thức kiểm nghiệm các vùng hỗ trợ nêu trên. Do đó, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng tiền mặt cao, hạn chế các giao dịch ngắn hạn, hoạt động mua trung hạn có thể tiếp tục chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Cây nến đỏ đặc dài thứ 2 xuất hiện sau khi đường giá vượt không thành công cận dưới của kênh xu hướng giảm kéo dài từ đầu tháng 11/2015 phần nào cho thấy sức ép từ nhóm MA ngắn hạn, đường SMA50 và chỉ báo PSAR đang hướng xuống là ngày một tăng dần. Trong bối cảnh dải BB tiếp tục có xu hướng bung nén mạnh, thì những tín hiệu trên có thể khiến chỉ số phá vỡ mốc điểm thấp nhất được tạo thành trong phiên đầu tuần, qua đó bước vào một nhịp sụt giảm mới trong những phiên kế tiếp.

Về mặt chỉ báo kỹ thuật, đa phần các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang có diễn biến tương đối tiêu cực như chúng tôi đã đề cập trong bản tin trước. Cụ thể, các đường MACD và Momentum vẫn đang trong xu hướng giảm mạnh, còn đường ADX đang hướng đến ngưỡng 50 trong sự phân kỳ của 2 đường DI.

Bên cạnh đó, đường MFI cũng đã bước vào nhịp sụt giảm và hướng về vùng quá bán cho thấy xu hướng dòng tiền đang có diễn biến không mấy tích cực. Những tín hiệu trên tiếp tục ủng hộ cho khả năng chỉ số sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, việc nhóm chỉ báo dao động đã về lại trạng thái quá bán, đồng thời đang có tín hiệu tạo phân kỳ dương với đường giá trong vùng này trong bối cảnh đường giá đang dao động quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh SMA200 trên đồ thị tuần, khiến chúng tôi để ngỏ khả năng chỉ số sẽ xuất hiện nhịp hồi phục khi rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ này trong những phiên kế tiếp. Vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số được dự báo nằm tại 505-510 điểm đối với VN-Index và 70-70,5 điểm đối với HNX-Index.

Đây được xem là điểm mua trading mang tính do đáy với tỷ trọng thấp cho các vị thế ngắn hạn.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,184.54 -5.68 -0.48% 78,259 tỷ
HNX 223.74 -1.57 -0.7% 539 tỷ
UPCOM 87.77 -0.25 -0.28% 178 tỷ