Góc nhìn kỹ thuật phiên 2/12: Xu hướng phục hồi hiện tại còn khá yếu

(ĐTCK) Sự thất bại trong nỗ lực tiếp cận mốc 670 điểm của VN-Index là dấu hiệu xấu và nhà đầu tư cần thận trọng với rủi ro tái diễn xu hướng giảm của sàn HOSE.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 2/12.

CTCK Bảo Việt – BVSC

VN-Index hình thành cây nến xanh đặc dài trên đường SMA100 cho thấy cuộc chiến giằng co giữa 2 bên mua, bán tại ngưỡng hỗ trợ này. Thanh khoản được duy trì ở mức trung bình 10 phiên gần nhất, còn độ rộng thị trường nghiêng diễn ra tương đối cân bằng. Sau phiên hồi phục tích cực trước đó, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư nhanh chóng trở lại trạng thái thận trọng, khi chỉ số tiếp cận vùng cản được hội tụ bởi đường SMA100 và nhóm MA ngắn hạn đang hướng xuống.

Sau khi lui về kiểm tra vùng hỗ trợ quanh 655 điểm, chỉ số đã cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy vậy, đường giá vẫn đang nằm dưới đường SMA100 và tiếp tục chịu sức ép từ nhóm MA ngắn hạn đang hướng xuống. Đây sẽ là những lực cản đáng kể đối với đà hồi phục của chỉ số trong những phiên kế tiếp.

Chỉ số cần phải nhanh chóng vượt lên trên trở lại đường SMA100 để giảm thiểu rủi ro sụt giảm về vùng hỗ trợ sâu hơn nằm quanh đường SMA200. Việc các chỉ báo dao động (W%R, STO) đã phát đi tín hiệu tăng trở lại từ vùng quá bán sẽ là tín hiệu hỗ trợ cho diễn biến của chỉ số trong phiên 2/12.

Mặc dù vậy, các chỉ báo kỹ thuật khác như ADX, MACD… lại chưa có được sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Điều này sẽ gây ra khó khăn đối với đà tăng của đường giá.

Trên khung thời gian intraday, mẫu hình nến “hangging man” kèm theo khoảng trống “exhaution gap” xuất hiện tại vùng cản 670-675 điểm dường như là một tín hiệu dự báo cho xu hướng điều chỉnh của đường giá đã diễn ra sau đó.

Xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong phiên 2/12, khi mà một số chỉ báo dao động đã cắt xuống dưới ngưỡng 80. Dải BB đang dần thắt hẹp trong khi chuyển động của đường SMA20 đang có dấu hiệu chuyển sang đi ngang.

Theo đó, đường giá có thể sẽ giảm về đường SMA20 và bước vào nhịp đi ngang trong vùng 666-670 điểm sau đó. Vùng kháng cự gần nằm tại quanh 675-680 điểm và 690-695 điểm. Vùng hỗ trợ gần nằm tại 650- 655 điểm và 635-640 điểm.

CTCK BIDV – BSC

Phiên tăng nhưng hình thành một thân cây nến Marubozu đen trong phiên 1/12 cũng có thể hạn chế khả năng hồi phục điểm số của thị trường. Rõ ràng, VN-Index đang trong xu hướng giảm cả ngắn hạn và trung hạn, khi chỉ số này vẫn nằm thấp hơn so với đường trung bình trượt MA(15), MA(45), rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu. Chỉ số RSI(15) tiếp tục tăng, đạt 43.92 điểm, tuy nhiên, đường MACD vẫn duy trì trạng thái âm kém tích cực.

VN-Index đang tiệm cận đường trung bình ngắn hạn MA(15), quanh 673 điểm, có thể sẽ là thử thách của thị trường trong những phiên tới đây.

CTCK MB – MBS   

Thị trường tiếp tục có phiên hồi phục tích cực, VN-Index tiến sát đường MA100 ngày, tương ứng vùng 668 điểm, trong khi HNX-Index vượt lên trên đường MA20 ngày, tương ứng vùng 81 điểm. Khối lượng giao dịch cao hơn bình quân 10 phiên cho thấy, dòng tiền có những dấu hiệu cải thiện tích cực.

Khả năng 2 chỉ số sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục để kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự cao hơn trong phiên 2/12. Nhà đầu tư xem xét tăng dần tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức 60/40 danh mục, đồng thời quan sát diễn biến thị trường để có hành động phù hợp.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK FPT – FPTS

Mô hình nến của VN-Index cho thấy, đà tăng mạnh vẫn xuất hiện tại thời điểm mở cửa. Tuy nhiên, tâm lý hào hứng này không thể duy trì cho đến hết phiên giao dịch. Đồ thị nến của VN-Index tạo thành mẫu hình bearish marubozu cho thấy, bên bán đã quay lại vị thế dẫn dắt tại thời điểm đóng cửa.

Kết hợp với sự sụt giảm của thanh khoản khớp lệnh, rõ ràng, sự thiếu hụt lượng cầu giá cao là nguyên nhân gây cản trở kịch bản hồi phục của chỉ số. Sự thất bại trong nỗ lực tiếp cận mốc 670 điểm của VN-Index là dấu hiệu xấu và nhà đầu tư cần thận trọng với rủi ro tái diễn xu hướng giảm của sàn HOSE.

Trong phiên 2/12, vùng 660-665 điểm với sự hiện diện của Fibo Retracement 50,0% và 38,2% (hoàn bù cho nhịp tăng 622 lên 691điểm) sẽ giữ vai trò ngưỡng hỗ trợ đối với xu hướng ngắn hạn. Do các chỉ báo có độ tin cậy cao như MACD, RSI, ADX vẫn dao động trong vùng tín hiệu tiêu cực, nên khả năng duy trì đà tăng của VN-Index sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Trước khi VN-Index có thể quay lại khung dao động 670-680 điểm, trạng thái tăng vượt ngưỡng quá mua của nhóm chỉ báo nhanh Stochastic Oscillator, CCI vẫn mang ý nghĩa chủ yếu về nhịp hồi phục kỹ thuật.

 CTCK Phú Hưng - PHS

Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên phục hồi thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch duy trì trên bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền vẫn ở lại thị trường. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đóng cửa dưới các đường MA quan trọng như MA20 và MA50, cho thấy xu hướng giảm điểm có thể quay trở lại.

Chỉ báo RSI vẫn duy trì ở vùng 43 hàm ý xu hướng phục hồi chưa được xác nhận. Thêm vào đó, các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD và ADX vẫn đi xuống tiêu cực, đường MACD tiếp tục đi xuống và gia tăng khoảng cách với đường signal, trong khi đường +DI vẫn nằm dưới đường –DI phát đi tin hiệu xu hướng phục hồi hiện tại còn khá yếu.

Ngưỡng kháng cự gần nhất của chỉ số là vùng 678 điểm (tương ứng MA50). Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát những diễn biến tiếp theo của thị trường. 

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index cũng có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên phục hồi mạnh lên trên ngưỡng 81 điểm (Fib 78.6), quay trở lại đóng cửa trên MA20 kèm khối lượng vượt trở lại bình quân 10 và 20 phiên cho thấy dòng tiền có dấu hiệu cải thiện nhất định, xu hướng phục hồi trong ngắn hạn đang có dấu hiệu hình thành. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ được xác nhận khi chỉ số tiếp tục duy trì trên đường MA20 và 50 trong các phiên tới. Ngưỡng kháng cự của đợt phục hồi là ngưỡng 82.3 điểm (MA200). 

Nhìn chung, xu hướng phục hồi hiện tại vẫn còn khá yếu, do đó nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, thận trọng quan sát các và chờ các tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn trong các phiên tới.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index tăng điểm nhẹ, đóng cửa ở mức thấp nhất phiên để tạo thành cây nến đỏ đặc. Với phiên tăng điểm này, tín hiệu trong ngắn hạn được cải thiện từ tiêu cực lên trung tính, với hỗ trợ tại 666 điểm (MA5) và kháng cự tại 672 điểm (MA10. Xu hướng trong trung hạn vẫn ở mức tiêu cực, với kháng cự tại 673 điểm (MA20).

Xu hướng dài hạn của VN-Index tiếp tục là trung tính, với kháng cự tại 668 điểm (MA100) và vùng hỗ trợ trong khoảng 651-655 điểm. Dự đoán trong phiên 2/12, VN-Index có thể tăng điểm để thử lại mốc kháng cự 668 điểm. Nếu thất bại,vùng hỗ trợ 651-655 điểm sẽ là bệ đỡ cho chỉ số.

HNX-Index tăng điểm mạnh, tạo thành một nến xanh khá bullish với phần bóng trên dài, thể hiện áp lực chốt lời ở vùng giá cao là khá mạnh mẽ. Với phiên tăng điểm này, tín hiệu trong ngắn hạn chuyển từ trung tính sang tích cực, với vùng hỗ trợ trong khoảng 80,7-80,8 điểm (MA5-10). Xu hướng trong trung hạn chuyển từ tiêu cực sang trung tính, với hỗ trợ tại 80,9 điểm (MA20) và kháng cự tại 82,8 điểm (MA50). HNX-Index tiếp tục ở trong bear market, với kháng cự tại MA200 ở mức 82,4 điểm. Dự đoán trong phiên 2/12, HNX-Index sẽ dao động trong biên độ 80,9-82,4 điểm.

CTCK  KIS Việt Nam – KIS

Về kỹ thuật, các chỉ báo xu hướng vẫn duy trì đánh giá xu hướng giảm trên cả 2 chỉ số, với kháng cự lần lượt tại vùng 665-670 trên VN-Index và 82-82,5 trên HNX-Index. Dòng tiền không lan tỏa rộng như kỳ vọng sau thông tin tích cực đến từ OPEC.

Trong khi đó, rủi ro thị trường có thể tăng dần khi VN-Index tiệm cận ngưỡng cản mạnh 670. Vì vậy, nhà đầu tư không nên quá hưng phấn trong giai đoạn này, đồng thời áp dụng chiến lược mua thấp bán cao để hạn chế rủi ro khi thị trường chưa rõ xu hướng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục